Cà phê Phố núi xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chẳng phải ngẫu nhiên mà Pleiku được chọn làm nơi tổ chức Ngày cà phê Việt Nam lần thứ III. Đến nay, diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh đã đạt xấp xỉ 100.000 ha, nằm trong tốp 4 tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất cả nước. Sản xuất đi đầu, lối tiêu thụ (uống) cà phê của cư dân Phố núi cũng không hề kém cạnh.
Quán cà phê ở Pleiku nhiều lắm. Dù chưa ai làm một cái thống kê nhưng đi dạo một vòng các con đường nội thành có thể nhận thấy ở đâu cũng có, từ quán vỉa hè đến quán có mức đầu tư đáng kể, sang trọng và độc đáo về không gian. Ngược thời gian trở về Pleiku cách đây nửa thế kỷ, phố xá cũng nhiều quán cà phê lắm, xoàng thì lụp xụp dạng cóc chứ không thấy lấn chiếm lề đường vỉa hè nhiều như bây giờ. Những cái tên nổi tiếng cho đến tận ngày nay phải kể đến Kim Liên ở đường Hoàng Diệu (nay là Hùng Vương), quán của ông Giáp, giờ đã chuyển về Tăng Bạt Hổ, nay đã lớn tuổi nên ông chủ giao cho con cháu điều hành. Kim Liên ra đời khoảng năm 1960, cùng tuổi với Thu Hà trên đường Nguyễn Thái Học. Ban đầu, Thu Hà bán các loại bún Bắc (bún thang, bún riêu), sau này chuyển qua chuyên doanh sản xuất cà phê nguyên liệu, phục vụ tận bàn cho khách và khuếch trương quán, mấy đời chị em trong nhà cùng quản lý, quán xuyến và làm ăn khá ổn định với lượng khách đông đảo.
  Quán Thu Hà với ly cà phê pha phin truyền thống vẫn mê hoặc nhiều người dân Phố núi. Ảnh: internet
Quán Thu Hà với ly cà phê pha phin truyền thống vẫn mê hoặc nhiều người dân Phố núi. Ảnh: internet
Kế bên Thu Hà có Phong Lan với cô chủ nhỏ xinh xắn tên Châu, nữ sinh Trường tư thục Minh Đức. Quán hấp dẫn kha khá các chàng trai trẻ vào ngắm, tán tỉnh hơn là thưởng thức cà phê. Rẽ xuống đường Phó Đức Chính (đường Nguyễn Văn Trỗi hiện nay) là Hoàng Lan Quán cũng đông khách nhờ cô chủ tên Lan có nhan sắc với mái tóc dài thướt tha. Gần đó còn có cafe Hẹn (Rendezvous), Sông Hương, mấy nơi này không có gì nổi bật... Qua khỏi Chợ Mới (nay là Trung tâm Thương mại Pleiku), quán cà phê tập trung nhiều hơn, tiêu biểu với Văn, Băng trên đường Phan Thanh Giản (giờ là đường Lê Hồng Phong). Văn có khách đa dạng, lính tráng, học sinh, công chức đều có cả. Cũng như Kim Liên, chủ quán chọn nhạc hay nên có thể nói đây là không gian cà phê và âm nhạc thu hút. Quán Tay Trái ngay giữa đoạn đường ngắn Lê Lai do một số văn nghệ sĩ mở mới thực là điểm hẹn của họ, quán có hoạt động thơ nhạc cuối tuần. Quán Băng gần như dành cho giới học sinh nên có menu thêm mấy món ưa thích của học trò. Cậu chủ nhỏ và cô bồ rất thanh lịch của quán chắc là lý do để quán Băng có phân khúc khách hàng riêng như vậy. Vỵ Thủy, Giao Chỉ cũng được nhiều người biết đến và ghé chân. Đặc biệt, quán Nhớ nằm ở đoạn giữa đường Tăng Bạt Hổ nổi tiếng vì quán này và cô chủ Ngọc được nhà văn Mai Thảo chọn làm bối cảnh và nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết “Ôm đàn tới giữa đời” của ông. Đa phần các quán đều có mở nhạc cho khách nghe với các tình khúc nhẹ nhàng, càng về sau thì nhạc Trịnh Công Sơn càng trở nên phổ biến. Quay ngược lại đường Hai Bà Trưng sẽ bắt gặp Hồng, Anh Đào, Hằng. Cả 3 quán đều lấy tên con gái người chủ đặt tên cho quán.
Khách uống cà phê ở Pleiku không câu nệ sự sang trọng, quý tộc. Ngày đó, chất lượng ly cà phê là cực kỳ quan trọng để thu hút khách. Vì thế mà người Sài Gòn ra đầu tư mở cà phê Tâm Giao ở góc đường Quang Trung-Nguyễn Du, giờ là một công viên nhỏ với phong cách sang trọng, ghế cao, bàn trải khăn trắng muốt cùng hoa tươi nhưng chẳng mấy chốc phải đóng cửa do chất lượng cà phê rất xoàng.
Sẽ hết sức thiếu sót nếu không nhắc đến tên Dinh Điền. Đây mới thực sự là quán khó quên đối với dân ghiền cà phê Pleiku bởi hương vị của ly cà phê ở đây. Nằm trong con hẻm lớn trên đường Hai Bà Trưng, quán rất bình dân nếu không muốn nói là lụp xụp, chỉ kê mấy cái bàn gỗ. Nằm trong khu nhà ở tập thể của khu dinh điền nên quán chết tên Dinh Điền. Chủ quán không bán cà phê phin mà pha bằng vợt. Khách đông lắm vào buổi sáng, đến chậm thì chẳng còn chỗ ngồi. Chẳng thế, thiên hạ còn đồn ầm rằng sái thuốc phiện là một thành phần pha chế của Dinh Điền.
Bài viết chỉ nhắc đến những cái tên ít nhiều làm nên điểm nhấn chứ nếu kể hết thì không xuể. Số lượng quán thời ấy nếu tính trên đầu người của dân số thì cũng đáng kể, so với bây giờ cũng một chín một mười. Chỉ có điều, dân Pleiku trước đây trồng cà phê ít lắm, rất ít và manh mún nên chẳng ai đếm để có số liệu cụ thể. Còn bây giờ, cả tỉnh đã đạt kỳ tích về sản xuất, sản phẩm của Lamant, Classic, Thu Hà.... đã trở nên nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Dù trồng hay không trồng cà phê, dân Phố núi vẫn uống cà phê với số lượng thật đáng nể!
 NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.