Chăm lo gia đình chính sách, người có công tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày tháng 7 này, trên khắp cả nước nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng, rất nhiều hoạt động đã được tổ chức để tri ân những người đã không tiếc tuổi xuân, xương máu cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Và trong tâm thức của mỗi người con đất Việt, tháng 7 từ lâu đã gắn liền với những hoạt động thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Trách nhiệm và tình cảm
Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 7, tỉnh ta lại tổ chức các đoàn công tác do lãnh đạo tỉnh dẫn đầu đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công tiêu biểu trên địa bàn. Đón nhận sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thương binh Võ Quốc Hưng (thôn Mook  Đen, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) rất xúc động. Ông Hưng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia và bị thương, tỷ lệ thương tật 81%. Mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương cũ tái phát nhưng ông luôn vượt lên nỗi đau, cùng gia đình phát triển kinh tế, nuôi 5 người con thành đạt. Ông chia sẻ: “Sau khi rời quân ngũ, tôi trở về quê hương Hà Tĩnh xây dựng gia đình. Cuộc sống ở quê nhà khó khăn nên năm 1987, tôi vào Kbang để lập nghiệp. Đến năm 1989, tôi chuyển lên Ia Dom và ở lại tới nay. Ngày 27-7 và dịp lễ, Tết hàng năm, chính quyền địa phương đều đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, thương-bệnh binh. Những phần quà giá trị vật chất không nhiều nhưng chúng tôi cảm thấy được an ủi, động viên rất nhiều”.
 Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đặng Phan Chung (bìa trái) thăm, tặng quà thương binh Võ Quốc Hưng (thôn Mook Đen, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ). Ảnh. Ảnh: Đ.Y
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đặng Phan Chung (bìa trái) thăm, tặng quà thương binh Võ Quốc Hưng (thôn Mook Đen, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ). Ảnh: Đ.Y
Không chỉ quan tâm thăm hỏi, tặng quà mỗi dịp lễ, Tết, những năm qua, tỉnh ta luôn chú trọng công tác chăm sóc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Theo thống kê, toàn tỉnh có 16.030 hộ chính sách. Trong số này đến nay không còn hộ nghèo. Công tác chi trả các chế độ chính sách cho 16.023 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi trên địa bàn tỉnh cũng luôn được thực hiện kịp thời, chu đáo với tổng số tiền trên 24 tỷ đồng/tháng. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc thương-bệnh binh, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công, phong trào vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, tặng sổ tiết kiệm, nâng cấp tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ… cũng được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia. Tính từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã trao tặng 371 sổ tiết kiệm cho các gia đình người có công còn khó khăn với tổng trị giá gần 3,4 tỷ đồng; xây mới, sửa chữa 1.836 nhà tình nghĩa tặng người có công còn khó khăn về nhà ở với tổng số tiền gần 100 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. 15 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được các đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc đến cuối đời.
Nhờ các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước được thực hiện đầy đủ, chu đáo, cùng với sự tri ân của toàn xã hội, những thương-bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh đều đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Nhiều thương-bệnh binh đã nỗ lực sản xuất kinh doanh giỏi, không những làm giàu cho gia đình mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Nâng cao mức sống cho người có công
Một trong những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra là “Chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, đảm bảo tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với nhân dân địa phương trên cơ sở kết hợp 3 nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân đối tượng chính sách tự vươn lên”. Thực hiện mục tiêu này, những năm qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu đãi người có công để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn và tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, đảm bảo các xã, phường, thị trấn đều làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công; 98% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Từ nay đến cuối năm 2019, Sở sẽ tập trung giải quyết toàn bộ hồ sơ tồn đọng về xác nhận người có công; hồ sơ phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 6 mẹ; đẩy mạnh thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi mà Đảng, Nhà nước dành cho người có công và gia đình của họ. Bên cạnh các chế độ về bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi, tặng quà nhân ngày lễ, Tết, Sở tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể liên quan tích cực vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để có thêm điều kiện hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho những gia đình người có công có nhà ở xuống cấp cần xây mới, sửa chữa; vận động các tổ chức, đơn vị, cơ quan… hỗ trợ, chăm sóc các hộ chính sách neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn.
“Cùng với đó, Sở đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho người có công và gia đình tham gia các hoạt động xã hội, học tập, học nghề, tạo việc làm, phát triển kinh tế, góp phần ổn định và nâng cao đời sống. Áp dụng các chính sách ưu đãi về giáo dục dạy nghề, sắp xếp việc làm cho con liệt sĩ, thương binh. Kịp thời tổ chức sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và chăm sóc người có công. Đảm bảo người có công được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời, chính xác các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước. Triển khai đồng bộ các chương trình, đề án về chính sách đối với người có công như đề án về nhà ở, các chế độ về bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng, đề án quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ…”-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.
 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.