Ia Mơr: Nỗ lực giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay, giải quyết việc làm, dạy nghề, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... là những giải pháp thiết thực được cấp ủy, chính quyền xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông) triển khai nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nhiều giải pháp giảm nghèo

Xã biên giới Ia Mơr hiện có 5 thôn, làng với 630 hộ dân/2.498 khẩu, trong đó dân tộc Jrai chiếm 65,29%. Toàn xã còn 70 hộ nghèo và 105 hộ cận nghèo. Ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã-cho hay: Năm 2019, xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 13,61% xuống còn 8,25% và hộ cận nghèo từ 20,42% xuống còn 14,42%. Giải pháp mà xã triển khai là hướng dẫn nhân dân tiếp tục chuẩn bị giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sẵn sàng cho sản xuất vụ mùa, không bỏ đất đai hoang hóa. Đối với các hộ đăng ký thoát nghèo trong năm, xã sẽ tập trung hỗ trợ cây giống, con giống, kỹ thuật từ các chương trình, dự án, đồng thời phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển sản xuất. “Những năm trước, người dân không dám vay vốn ngân hàng vì sợ vay xong không trả được. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhờ xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện, các hộ dân đã mạnh dạn vay từ nguồn vốn nước sạch, sản xuất kinh doanh, làm nhà cho hộ nghèo với số tiền trên 4 tỷ đồng”-ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.


 

Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chăm lo sản xuất để nâng cao thu nhập.                                    Ảnh: P.D
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chăm lo sản xuất để nâng cao thu nhập. Ảnh: P.D

Bên cạnh đó, xã cũng phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức 2 lớp dạy nghề: sửa chữa điện và sửa chữa máy nông cụ cho gần 40 học viên; phối hợp cùng Nông trường Cao su An Biên (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông) mở lớp tập huấn khai thác mủ cao su và vận động người dân vào làm công nhân... Hiện tại, toàn xã có 27 lao động đang làm công nhân khai thác mủ cao su tại Nông trường Cao su An Biên với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Phó Chủ tịch UBND xã thông tin thêm: 2 đồn Biên phòng Ia Lốp và Ia Mơr đứng chân trên địa bàn cũng đồng hành với xã trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng lúa nước, cho người dân mượn lúa giống, hỗ trợ bò, cây điều... để sản xuất nâng cao thu nhập; giúp đỡ 8 học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Đại úy Rơ Ô Thuy-Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Mơr-chia sẻ: “Bên cạnh việc hướng dẫn người dân nhân rộng mô hình lúa nước, đơn vị còn nhận giúp đỡ 2 gia đình chính sách: Siu Hlinh (làng Krông) và Rơ Mah Phét (làng Hnáp) vươn lên thoát nghèo. Cụ thể, đơn vị đã hỗ trợ 2 con bò, làm chuồng bò, trồng điều, tặng một số vật dụng trong gia đình”.

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Song song với công tác giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã biên giới Ia Mơr đang từng bước nỗ lực hoàn thành các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM theo lộ trình đạt chuẩn vào cuối năm 2020. Ông Siu Biu-già làng Klăh-phấn khởi cho biết: “Phong trào chung sức xây dựng NTM được dân làng tích cực hưởng ứng. Nhiều gia đình sau khi được tuyên truyền, vận động đã tự giác dọn vệ sinh xung quanh nhà, mua vật liệu về làm hàng rào xung quanh nhà ở; một số hộ chăn nuôi gia súc đã di dời chuồng trại ra phía sau nhà và làm nền xi măng cao hơn, tránh đọng nước vào mùa mưa”.

Đến nay, xã đã hoàn thành 9/19 tiêu chí về xây dựng NTM gồm: quy hoạch, điện, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, lao động có việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế. Năm 2019, xã đăng ký phấn đấu hoàn thành thêm 2 tiêu chí: tổ chức sản xuất, quốc phòng-an ninh. Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr cho rằng, cả 2 tiêu chí đã đăng ký chắc chắn sẽ hoàn thành theo dự kiến. Vì với tiêu chí tổ chức sản xuất, từ năm 2018 đến nay, xã đã thực hiện, duy trì có hiệu quả chuỗi liên kết sản phẩm và hoạt động của 2 hợp tác xã nông nghiệp. Riêng tiêu chí quốc phòng-an ninh, Ia Mơr vốn có bề dày truyền thống cách mạng nên người dân luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Tình hình an ninh trên địa bàn cơ bản ổn định; người dân trong xã luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, mỗi khi thấy người, phương tiện lạ ra vào khu vực biên giới đều báo cho lực lượng chức năng kịp thời xử lý... “Từ nay đến cuối năm, xã sẽ thành lập chi bộ quân sự có chi ủy, như vậy là hoàn thành xong tiêu chí quốc phòng-an ninh”-ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; kêu gọi, thu hút nhân dân hưởng ứng, tham gia vào các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao; phát động phong trào dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, bảo vệ môi trường thoáng mát, xanh, sạch, đẹp. Phấn đấu đến cuối năm 2019, toàn xã có 340 gia đình văn hóa và làng Ring đạt làng văn hóa, nâng tổng số làng văn hóa trên địa bàn xã lên 3/5 làng.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm

Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt.