Đổi thay ở xã biên giới Ia Dom

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ia Dom (huyện Đức Cơ, Gia Lai) là xã đầu tiên trên tuyến biên giới Tây Nguyên hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới (NTM) vào đầu năm 2016. Kết quả ấy có được là nhờ sự nỗ lực không biết mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cũng như sự giúp đỡ của các lực lượng vũ trang trên địa bàn.
Vượt khó để về đích nông thôn mới
Nhớ lại những ngày đầu bắt tay xây dựng NTM, ông Ngô Hữu Thiện-Chủ tịch UBND xã Ia Dom-chia sẻ: Năm 2011, Ia Dom còn là một xã nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 7,1 triệu đồng/năm. Hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã còn gặp nhiều khó khăn, người dân chưa mạnh dạn đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao vào thâm canh. Nội lực yếu, trên địa bàn lại có ít doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nên việc triển khai xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn. Hiểu được những khó khăn đó, lãnh đạo tỉnh và huyện đã tập trung chỉ đạo các đơn vị quân đội, các doanh nghiệp tập trung giúp xã hoàn thành các tiêu chí NTM. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát động các phong trào thi đua xây dựng NTM, gắn với việc tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiến đất làm đường, huy động hàng ngàn ngày công để xây dựng các công trình công cộng.
 Một góc xã Ia Dom (huyện Đức Cơ). Ảnh: T.T
Một góc xã Ia Dom (huyện Đức Cơ). Ảnh: T.T
Trải qua bao khó khăn vất vả, cùng sự đồng lòng của nhân dân và sự giúp đỡ của các cơ quan, doanh nghiệp, năm 2016, xã Ia Dom đã về đích NTM. Việc xây dựng thành công NTM đã tạo cú hích để nhân dân trên địa bàn xã vươn lên làm giàu. Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn xã có trên 100 hộ thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn dưới 5%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 35 triệu đồng/năm. Quá trình xây dựng NTM, người dân trên địa bàn xã không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà cùng nhau đóng góp tiền bạc và hiến đất để xây dựng các công trình công cộng. Cụ thể, nhân dân xã Ia Dom cùng nhau đóng góp hơn 2,7 tỷ đồng (chiếm 5,18% tổng giá trị đầu tư) cùng hàng ngàn ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, phòng học, bể nước sạch...
Còn nhiều trăn trở
Năm 2019, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, xã Ia Dom tiếp tục được đầu tư hơn 7 tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Theo đó, trụ sở UBND xã được đầu tư xây dựng với số tiền 5 tỷ đồng; tuyến đường từ làng Mook Trang đi Mook Đen có chiều dài 1,2 km được đầu tư hơn 600 triệu đồng để xây dựng; hoa viên trung tâm xã được đầu tư xây dựng với số tiền hơn 1 tỷ đồng... Ia Dom là xã biên giới đầu tiên của tỉnh được đầu tư xây dựng hoa viên. Theo đó, công trình này có diện tích hơn 4.500 m2 gồm các hạng mục: đài phun nước, hòn non bộ, hệ thống cây xanh, đường đi và khu vực vui chơi, bãi cỏ. Nói về việc xây dựng công trình này, ông Rơ Lan Dút-Phó Chủ tịch UBND xã-cho biết: “Khi công trình đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện cho trẻ em có nơi vui chơi, người lớn có nơi tập thể dục. Đây cũng là khu vực để xã tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ...”.
Mặc dù đã về đích NTM được 3 năm nhưng theo bộ tiêu chí mới thì xã Ia Dom hiện còn 3 tiêu chí chưa đạt gồm: y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Đây chính là những khó khăn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đang cố gắng khắc phục. Chủ tịch UBND xã Ngô Hữu Thiện trăn trở: “Ia Dom vẫn là xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số biên giới còn nhiều khó khăn. Cùng với đó, bà con trước đây được cấp thẻ bảo hiểm y tế nhưng nay thì không. Khi xây dựng NTM, nhiều hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở nhưng chưa được hỗ trợ các chính sách để thoát nghèo. Các em học sinh dân tộc thiểu số của xã trước đây đi học được miễn giảm nhiều chế độ nhưng nay không còn nên nhiều gia đình cũng tỏ ra lo lắng. Thu nhập của cán bộ, công chức trên địa bàn cũng bị sụt giảm 1/3 so với trước... Đây chính là những khó khăn mà chúng tôi đang trăn trở. Chúng tôi rất mong muốn một số chính sách ưu tiên hỗ trợ của Nhà nước tiếp tục được duy trì. Mặc dù vậy, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã vẫn tiếp tục thi đua để hoàn thành các tiêu chí còn lại, phấn đấu xây dựng Ia Dom trở thành xã biên giới giàu mạnh”.
THIÊN THANH

Có thể bạn quan tâm

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt.