Vì quyền lợi người lao động Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Từ ngày 1 đến 31-5, cùng với cả nước, tỉnh Gia Lai triển khai Tháng hành động về an toàn-vệ sinh lao động (ATVSLĐ) với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Gia Lai Điện tử có cuộc phỏng vấn bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Bảo hộ lao động tỉnh.
* P.V: Bà có thể cho biết kế hoạch tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019 của tỉnh?
   Bà Trần Thị Hoài Thanh. Ảnh: Đ.Y
Bà Trần Thị Hoài Thanh. Ảnh: Đ.Y
- Bà TRẦN THỊ HOÀI THANH: Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác ATVSLĐ theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ngay từ đầu năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề nghị các sở, ban ngành, hội, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Liên minh Hợp tác xã, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nghiêm túc, chủ động cập nhật và triển khai kịp thời chính sách, pháp luật về ATVSLĐ.
Bên cạnh đó, Hội đồng Bảo hộ lao động tỉnh đã chọn huyện Đak Đoa để tổ chức phát động Tháng hành động về ATVSLĐ toàn tỉnh năm 2019. Đến thời điểm này, Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, các tiểu ban đã được thành lập. Công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức được triển khai. Các cuộc thi tìm hiểu về ATVSLĐ, các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về ATVSLĐ được tiến hành. Đặc biệt, chương trình lễ mít tinh phát động Tháng hành động về ATVSLĐ đã được phê duyệt và chuẩn bị chu đáo. Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng cho lễ phát động diễn ra vào sáng 8-5.
* P.V: Nội dung chính của Tháng hành động về ATVSLĐ là gì, thưa bà?
- Bà TRẦN THỊ HOÀI THANH: Một trong những nội dung quan trọng của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019 là tập trung tuyên truyền sâu rộng tại địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để thực hiện tốt hơn nữa công tác ATVSLĐ. Đồng thời, nêu cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động đối với công tác ATVSLĐ, chăm lo sức khỏe người lao động; giúp người sử dụng lao động và người lao động hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa, tầm quan trọng, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi bên trong công tác bảo hộ lao động, ATVSLĐ, tạo sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa trong quan hệ lao động; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức kinh tế trong việc chăm lo sức khỏe người lao động nhằm tăng năng suất và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các cơ quan, ban ngành liên quan sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp có quy trình sản xuất tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động theo Nghị định 44 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung các đợt cao điểm tổ chức thanh-kiểm tra về ATVSLĐ ở các đơn vị, đưa công tác này vào nền nếp và dần mang tính tự giác. Huy động sự tham gia, phối hợp tích cực của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị, người lao động trong khu vực có hợp đồng lao động và cả khu vực không có hợp đồng lao động tham gia hưởng ứng Tháng Hành động về ATVSLĐ. Ngoài ra, hướng dẫn người lao động tự đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ theo đúng quy định tại Thông tư 07 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động cần thực hiện nghiêm việc kiểm định, khai báo sử dụng theo đúng quy định tại điều 16 của Nghị định 44 của Chính phủ. Đồng thời, tổ chức kiểm tra thực hiện quan trắc đầy đủ các yếu tố có hại được liệt kê trong hồ sơ vệ sinh lao động của mỗi doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
* P.V: Để công tác ATVSLĐ đi vào chiều sâu, hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn lao động thì cần triển khai những giải pháp nào thưa bà?
- Bà TRẦN THỊ HOÀI THANH: Những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản phê duyệt kế hoạch về ATVSLĐ, đồng thời tổ chức các hội nghị triển khai công tác này. Ngoài ra, Sở phối hợp với các ban ngành liên quan, các doanh nghiệp tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền giáo dục và xây dựng các kỹ năng về ATVSLĐ với sự tham gia của hàng ngàn lao động. Từ năm 2017 đến nay, qua các đợt thanh-kiểm tra, công tác ATVSLĐ từng bước đi vào nền nếp; người lao động, chủ sử dụng lao động cũng đã nhận thức rõ về quyền, lợi ích của bản thân người lao động và của doanh nghiệp khi thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Rõ nét nhất là các vụ tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh giảm dần theo từng năm. Cụ thể, năm 2017 xảy ra 7 vụ tai nạn lao động làm 5 người chết, 2 người bị thương; năm 2018 xảy ra 2 vụ tai nạn lao động làm 2 người chết, 2 người bị thương; 3 tháng đầu năm 2009 chưa để xảy ra vụ tai nạn lao động nào. 
Để duy trì thành quả trên, theo tôi, ngoài công tác tuyên truyền giáo dục thì cần tiếp tục mở các lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng ATVSLĐ cho người quản lý và cho người lao động. Hơn nữa, cần quan tâm chăm lo sức khỏe người lao động, nhất là lao động trong các lĩnh vực độc hại, nguy hiểm. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra cần được duy trì thường xuyên; siết chặt các điều kiện, phương tiện để đảm bảo ATVSLĐ và an toàn cho người lao động. Không châm chước, nương nhẹ những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm về ATVSLĐ. Kiên quyết yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; tính mạng của người lao động cần được chủ doanh nghiệp xem là điều kiện tiên quyết để đơn vị mình phát triển ổn định, lâu dài...
* P.V: Xin cảm ơn bà!     
 ĐINH YẾN (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.