Làng Poong khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong kháng chiến chống Mỹ, làng Poong (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, Gia Lai) đã cùng nhau đoàn kết đứng lên đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước. Thời bình, phát huy truyền thống anh hùng, dân làng Poong đã chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.   
Ký ức hào hùng
Đường vào xã Ia Dơk thẳng tắp những hàng cao su xanh ngát, từng ngôi nhà khang trang hiện ra. Chúng tôi dừng chân tại làng Poong, một trong những ngôi làng có nhiều người tham gia kháng chiến nhất xã. Ông Rơ Mah De-người từng tham gia hơn 30 trận đánh như trận phá đồn Chư Nghé (xã Ia Krai, huyện Ia Grai), đánh FULRO ở xã Ia Ka (huyện Chư Pah), đồn Bàu Cạn (huyện Chư Prông), cắt đường 14 Chư Nghé-huyện Đức Cơ, phá ấp 30 làng Dit (xã Ia Din, huyện Đức Cơ), đánh chốt Hàm Rồng (Pleiku)… tiếp đón chúng tôi trong căn nhà rộng, thoáng mát. Ông kể cho chúng tôi nghe về những trận đánh oanh liệt của mình cùng đồng đội. Qua cách kể chuyện sôi nổi, có thể nhận thấy khí chất của người lính và niềm tự hào vẫn nguyên vẹn trong ông. Ông De kể: “Làng mình trước kia khổ lắm. Làng chỉ có 30 nóc nhà với khoảng 300 người. Những ngôi nhà làm bằng lá rừng cứ 2 năm phải thay một lần, bộ đội phải hỗ trợ làm lại nhà cùng các gia vị như muối, mì chính... Trong chiến tranh, dân làng gùi lương thực, đào hầm nuôi giấu bộ đội, sẵn sàng đánh đuổi bọn giặc. Kết thúc chiến tranh, dân làng lại đi làm rẫy, có gì ăn nấy, thế nhưng khi cần thì mọi người sẵn sàng cầm súng đánh đuổi FULRO, kiên quyết không nghe theo chúng”.
  Đường vào làng Poong được trải nhựa.   Ảnh: N.T
Đường vào làng Poong được trải nhựa. Ảnh: N.T
Cũng từng tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ như cắt đường 14 Chư Nghé-huyện Đức Cơ, trận đánh Đức Cơ, trận đánh đồi Chư Nghé…, ông Ksor Hyơn đã được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất và nhiều huy chương khác. Dù giờ đây ông đã gần 90 tuổi nhưng ký ức về những trận đánh ác liệt, tình đồng đội vẫn còn sống mãi trong ông. “Tôi nhớ nhất là trận đánh đồi Chư Nghé. Tôi đã cùng đồng đội đánh 2 ngày liền, từ sáng sớm đến tối ngày hôm sau. Dù cái bụng đang đói cồn cào nhưng quyết tâm đánh giặc vẫn không giảm sút, cả làng thay nhau tiếp lương thực, súng đạn cho chúng tôi. Kết quả, chúng tôi đã giết hàng trăm tên địch và bắt sống 30 tên”-ông Hyơn bồi hồi nhớ lại.
Ông De, ông Hyơn là những tấm gương điển hình trong số hàng trăm thanh niên Jrai làng Poong ngày ấy quyết tâm lên đường đánh giặc, lập chiến công xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ.
Chung tay xây dựng làng kiểu mẫu
Phát huy truyền thống anh hùng trong thời đại mới, những người lính năm xưa đã truyền lại cho con cháu ý chí kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, đồng sức đồng lòng để xây dựng quê hương giàu đẹp.
Trưởng thôn Ksor Joih chia sẻ: “Noi gương, kế thừa truyền thống anh hùng cách mạng, dân làng mình đoàn kết, sẵn sàng chia rẫy cho những người khó khăn, góp công sức xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, giữ gìn an ninh trật tự, con em được học hành đến nơi đến chốn. Ngoài ra, dân làng còn làm theo hướng dẫn của cán bộ, học hỏi, nhân rộng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao như trồng cà phê, điều, cao su...”.
Gia đình ông De cũng luôn đi đầu trong phong trào làm kinh tế giỏi. Từ những mảnh đất hoang hóa, ông đã cùng bà con trồng những loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như điều, cà phê, cao su. Với 5 ha lúa, cà phê, mỗi năm thu nhập của gia đình ông De cũng được gần 200 triệu đồng. Các con ông đều được đi học và làm công nhân cho các công ty cao su với thu nhập ổn định… Ông De phấn khởi nói: “Dân làng mình trước đây ăn củ mì là chủ yếu… Nhờ siêng năng chịu khó học hỏi nên giờ đây cuộc sống đã khác nhiều rồi. Nhà nào cũng có bò để chăn, xe công nông chở cà phê, điều... Nhiều gia đình xây nhà khang trang, sắm đủ đồ hiện đại, nhìn thấy sự thay đổi này, mình vui mừng lắm”.
Giờ đây, làng Poong đã khoác lên mình chiếc áo mới. Con đường vào làng nối liền với trung tâm xã đã được nhựa hóa, trải dài thẳng tắp. Từ 30 nóc nhà (năm 1975), đến nay làng Poong đã có 251 nóc nhà với gần 1.140 khẩu, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 20 triệu đồng/năm, cuộc sống người dân đang đổi thay từng ngày. 100% trẻ em được đến trường đúng độ tuổi, gần 40% lao động đã qua đào tạo, 97% người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên. Ngoài ra, nhiều năm liền làng Poong cũng được công nhận là làng văn hóa... Đây là lý do ngôi làng này được chọn để xây dựng làng nông thôn mới kiểu mẫu trong đồng bào dân tộc thiểu số của xã Ia Dơk.
Ông Rơ Lan Pêu-Chủ tịch UBND xã Ia Dơk-cho biết: “Dân làng Poong 100% là người Jrai có truyền thống anh hùng, đoàn kết, cần cù lao động, luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với sức mạnh đến từ lòng dân, chúng tôi sẽ huy động mọi nguồn lực của hệ thống chính trị để xây dựng mô hình điểm làng nông thôn mới kiểu mẫu, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội hoàn thiện, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Trong đó, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8% xuống còn 5%, phát triển các mô hình trồng cây lâu năm hiệu quả, đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm…”.
 NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.