Chư Sê quan tâm đầu tư giao thông đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Chư Sê (Gia Lai) đã và đang nỗ lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông tại thị trấn Chư Sê nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Ông Trần Minh Triều-Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đầu tư Xây dựng huyện Chư Sê-cho biết: Hiện nay, nhiều tuyến đường nội thị ở thị trấn Chư Sê đang được đầu tư xây dựng. Cụ thể, huyện đang đầu tư mở một số tuyến đường mới, đồng thời cải tạo nhiều tuyến đường khác với các hạng mục như: thảm bê tông nhựa, nâng cấp, mở rộng mặt đường, hệ thống thoát nước... Ngoài ra, các trục đường chính đi qua trung tâm huyện như đường Hùng Vương, đường 17/3 cũng được quan tâm đầu tư, nâng cấp các hạng mục gồm: bó vỉa, lát gạch vỉa hè… nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại ngày càng tăng của nhân dân.
 Nhiều tuyến đường nội thị trên địa bàn thị trấn Chư Sê đang được đầu tư xây dựng.  Ảnh: C.H
Nhiều tuyến đường nội thị trên địa bàn thị trấn Chư Sê đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: C.H
Huyện Chư Sê đang triển khai và dự kiến triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp tổng cộng 36 tuyến đường nội thị với tổng mức đầu tư hơn 253 tỷ đồng. Trong đó, đường N10 (đoạn từ đường D25 đến đường tránh Đông thị trấn Chư Sê) và đường D25 (đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến đường N10 thị trấn Chư Sê) có chiều dài hơn 750 m với tổng mức đầu tư gần 17 tỷ đồng. Đây là 2 dự án quan trọng trong tổng thể các dự án chỉnh trang đô thị huyện Chư Sê trong năm 2019 và được quy hoạch nhằm tạo thành hệ thống đường nội thị khép kín, vành đai xung quanh trung tâm hành chính huyện Chư Sê.

Theo ghi nhận của P.V, các đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện máy móc gấp rút triển khai và hoàn thiện các tuyến đường. Đặc biệt, các tuyến đường nội thị nối với đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê được quan tâm đầu tư xây dựng tạo thành hệ thống đường giao thông theo kiểu xương cá giúp người dân đi lại an toàn, thuận tiện hơn.
Bà Lê Thị Thanh (thôn Tân Lập, thị trấn Chư Sê) cho hay: “Trước đây, người dân trong thôn muốn đi ra trung tâm thị trấn phải đi vòng trên con đường đất nhỏ rộng hơn 1 m. Khi Nhà nước đầu tư đường N10, gia đình tôi có hơn 1.000 m2 đất bị thu hồi và được bồi thường hơn 700 triệu đồng. Với số tiền này, tôi đã mua đất ở vị trí khác khá gần với nhà cũ và đang xây nhà mới. Mặc dù bị thu hồi đất để làm đường nhưng gia đình tôi đồng thuận theo chủ trương chung của địa phương, mục đích là vì sự phát triển của cộng đồng. Chuyển về nhà mới ở mặt đường, việc đi lại thuận tiện hơn trước đây, tôi sẽ buôn bán thêm để trang trải cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Liên (tổ dân phố 5, thị trấn Chư Sê) cũng cho biết: “Đường cũ qua nhà tôi chỉ rộng 3,5 m và được xây dựng theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng, nền đường đã xuống cấp khiến việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn. Mùa nắng thì bụi bặm, mùa mưa thì lầy lội. Khi Nhà nước có chủ trương đầu tư đường nội thị, gia đình tôi dời hàng rào vào 7 m để đơn vị thi công triển khai dự án. Mặc dù mất đất nhưng gia đình rất đồng thuận với chủ trương đầu tư xây dựng đường giao thông của chính quyền địa phương”.
Xác định hoàn thiện hạ tầng giao thông có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, Đảng bộ, chính quyền huyện Chư Sê đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để bà con hiểu được ý nghĩa, mục đích của các công trình. Đồng thời, huyện niêm yết công khai về quy mô các dự án ở các vị trí thuận lợi để nhân dân được biết, trực tiếp tham gia giám sát. Do đó, người dân đã đồng thuận cao trong quá trình triển khai các dự án.
Ông Nguyễn Hồng Linh-Chủ tịch UBND huyện Chư Sê-cho biết: Công trình đường N10 được đầu tư từ nguồn ngân sách huyện với tổng kinh phí 9,99 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2019. Việc xây dựng đường N10 nói riêng và các tuyến đường nội thị nói chung có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 CHÍ HÀO

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.