Chư Pưh khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chúng tôi trở lại Chư Pưh, Gia Lai vào đúng thời điểm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập huyện. Dẫu còn lắm thử thách phải vượt qua song vùng đất cửa ngõ phía Nam tỉnh đã có những đổi thay toàn diện so với cách đây gần 10 năm.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Chư Pưh, ông Ksor Kreng-Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hrăi Dong (thị trấn Nhơn Hòa) là người hiểu rất rõ những đổi thay của quê hương mình trong mấy chục năm qua. Ông tâm sự, thời chiến, dân làng Hrăi Dong lúc nào cũng nêu cao tinh thần đấu tranh quả cảm, tích cực tham gia du kích, chở che và nuôi giấu bộ đội. Hòa bình lập lại, dân làng lại hăng say lao động, khai hoang đồng ruộng, xây dựng thủy lợi để phát triển kinh tế. Diện mạo nông thôn và đời sống của người dân làng Hrăi Dong theo đó đã ngày càng khởi sắc. Những con đường đất bụi đỏ, sình lầy trước đây hầu hết đều đã được bê tông hóa sạch đẹp. Điện lưới quốc gia đã phủ sáng tận từng nếp nhà. Hộ nào trong làng cũng có xe máy, ti vi, nhà cửa xây dựng khang trang; con cái được đến trường học chữ, nhiều em đã học hết lớp 12 và một số tiếp tục học lên trình độ cao hơn.
  Diện mạo đô thị thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) ngày càng khang trang. Ảnh: H.T
Diện mạo đô thị thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) ngày càng khang trang. Ảnh: H.T
Ngày 27-8-2009 có lẽ là mốc thời gian đáng nhớ nhất của cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Chư Pưh. Bởi đó là ngày huyện Chư Pưh được thành lập trên cơ sở tách các xã phía Nam của huyện Chư Sê. Những ngày đầu thành lập, huyện phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, trong 9 đơn vị hành chính cấp xã, huyện có 2 xã vùng 3 (14 làng) và 18 làng đặc biệt khó khăn của các xã vùng 2; 51 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo cao. Điều kiện cơ sở vật chất, trang-thiết bị phục vụ hoạt động công tác và an sinh xã hội còn thiếu thốn. Mặt khác, bọn phản động FULRO và các thế lực thù địch ra sức lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đói nghèo để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc khiến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của huyện diễn biến phức tạp…
Nhớ lại thời điểm ấy, ông Phạm Ngọc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nhơn Hòa-kể rằng, dẫu là trung tâm huyện lỵ nhưng thị trấn Nhơn Hòa khá “buồn tẻ”. Cơ sở hạ tầng, đường sá nội thị chưa được đầu tư xây dựng; 95% hộ dân sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, thương mại-dịch vụ chưa phát triển. Nếp sống đô thị của người dân thị trấn còn hạn chế do tâm lý thuần nông cố hữu từ lâu cản trở sự phát triển… “Thế nhưng, nhờ sự quan tâm đầu tư của Trung ương và tỉnh, giờ đây, bộ mặt đô thị của thị trấn Nhơn Hòa đã thay đổi rõ rệt, góp phần làm thay đổi diện mạo của huyện nhà”-ông Tuấn chia sẻ.
Sau gần 1 thập kỷ xây dựng và phát triển, huyện Chư Pưh đã vượt khó vươn lên và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nền kinh tế không ngừng tăng trưởng; riêng quý I-2019, tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 8,71% (trong đó, nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,85%; công nghiệp-xây dựng tăng 9,82%; dịch vụ tăng 9,6%), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người duy trì mức tăng 8-9%/năm. 7/9 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia (có 8/9 trạm y tế có bác sĩ), 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm…
Trước kia, huyện Chư Sê cũ nổi tiếng về sản xuất hồ tiêu của tỉnh. Sau thời điểm chia tách, Chư Pưh trở thành “thủ phủ hồ tiêu” của tỉnh với hơn 1.000 ha. Ngoài ra, huyện còn có hơn 3.000 ha cà phê và trên 4.000 ha cao su. Điều kiện thuận lợi này đã giúp Chư Pưh tạo đà phát triển kinh tế-xã hội trong nhiều năm. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, nhiều diện tích hồ tiêu của huyện bị bệnh rồi chết hàng loạt; giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực cũng liên tục giảm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân trên địa bàn.
Người dân Chư Pưh tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ảnh: Hồng Thi
Người dân Chư Pưh tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ảnh: Hồng Thi
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết, với phương châm “Phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương”, “Lấy ngắn nuôi dài”, huyện đã từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản xuất các loại cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày và phát triển chăn nuôi theo quy mô tập trung. Huyện cũng tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị sản xuất với các doanh nghiệp, hợp tác xã; đồng thời xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực để định hướng người dân chuyển đổi phù hợp. “Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, huyện sẽ tận dụng mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế và triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án cũng như các chính sách ưu đãi nhằm tạo động lực mạnh mẽ giúp địa phương bứt phá đi lên”-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh khẳng định.
 HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.