Chiếc xích đu giữa rừng thông Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lâu nay, tôi thường thấy người người đến rừng thông vui chơi, ăn nhậu và xả rác rồi về chứ chưa thấy ai đem quà đến cho cánh rừng này cả. Vậy nên, sự tò mò đã trỗi dậy trong tôi khi nhìn thấy một chiếc xích đu xinh xắn mắc trên tán cây giữa rừng, để ai cũng có thể ngồi đung đưa nghỉ chân. Ai đã làm việc ý nghĩa ấy?
Tôi công tác tại Đức Cơ-một huyện khá xa TP. Pleiku nên mỗi lần có việc ghé về đây đều phải đi qua cánh rừng thông trên đường Trường Sa (xã Diên Phú, TP. Pleiku), nơi được mệnh danh là “lá phổi xanh của thành phố”. Với tôi, cánh rừng thật nên thơ và đầy cảm xúc, thế nên tôi rất hay dừng chân ghé lại và thơ thẩn dạo chơi trong phút chốc hoặc chụp một vài bức ảnh hoàng hôn qua lá thông để được thư giãn và đắm chìm trong không gian thoáng đãng.
   Ngồi trên xích đu, ta có thể ngắm cảnh ngoại ô thành phố giữa ngàn thông xanh. Ảnh: Văn Nhân
Ngồi trên xích đu, ta có thể ngắm cảnh ngoại ô thành phố giữa ngàn thông xanh. Ảnh: Văn Nhân
Có lẽ sẽ chẳng có gì đáng nói nếu trong một buổi hoàng hôn nọ tôi không tình cờ bắt gặp một chiếc xích đu trong khu rừng ấy. Chiếc xích đu bằng gỗ, bên trên có dòng chữ nhắn nhủ “chơi nhớ giữ”, được neo trên cây bằng dây thừng ấy lại là điểm nhấn đặc biệt trong không gian vắng vẻ, tĩnh lặng. Từ trên chiếc xích đu, ta có thể phóng tầm mắt ra xa, bao quát được toàn bộ khung cảnh ngoại ô thành phố giữa ngàn thông xanh. Những ngôi nhà nhỏ bé tưởng chừng như với tới và cầm nắm được một cách dễ dàng, lần đầu tiên tôi có cảm giác mình có thể sờ lên từng ngọn cây, từng ngôi nhà cao tầng đồ sộ. Tất cả bỗng chốc biến thành đồ chơi và tôi như một đứa trẻ hiếu động. Cả buổi chiều hôm ấy, chiếc xích đu đã làm bạn với tôi cho đến khi cả một vùng ngoại ô dần nhòe đi trong ánh đèn đêm. Quanh tôi là cảm giác lãng mạn như trong xứ sở ngàn thông; một chút sương mờ lãng đãng phủ nhẹ xuống phía xa thành phố như muốn che lấp đi những nhộn nhịp, xô bồ. Trong một buổi chiều tuyệt đẹp, tôi thầm biết ơn người đã tạo ra chiếc xích đu để tôi được trở về thế giới của riêng mình.
Chỉ đến khi vô tình lướt facebook, bất ngờ bắt gặp hình ảnh một nhóm bạn đang thi nhau hết người này đến người khác ngồi trên chiếc xích đu ấy tạo dáng chụp hình hết sức vui vẻ, tôi mới vỡ lẽ: Hóa ra không chỉ có tôi và người làm ra chiếc xích đu ấy biết tới sự tồn tại của nó mà rất nhiều người cũng đã bắt gặp, cũng đã có những cảm xúc tươi đẹp, những giây phút thư giãn giữa cánh rừng ấy.
Tìm hiểu thì được biết người làm ra chiếc xích đu dễ thương nói trên là anh Nguyễn Văn Nhân (26 Hùng Vương, TP. Pleiku), có nick name là Tatoo Nhân Nguyễn. Tôi đã từng gặp anh vài lần thông qua những buổi sinh hoạt của Hội xe 67 Pleiku. Chàng trai 27 tuổi này là một người duy mỹ và đam mê cái đẹp. Lần nào đi chơi cùng cả nhóm, Nhân cũng là phó nháy nên những bức hình đăng facebook chẳng bao giờ có mặt Nhân. Lúc đi phượt, Nhân luôn là người lo hậu cần cho cả nhóm và đặc biệt là luôn gọn gàng thu dọn đến từng cọng rác cuối cùng.
Khi tôi hỏi chuyện về chiếc xích đu, Nhân cười hiền cho hay: “Chỉ làm cho vui thôi, do mình hay tới đây chơi và thấy nhiều người cũng thích chụp hình nhưng ngoài việc đứng ngồi, chạy nhảy ra thì không có dáng nào khác nên mình làm thêm nó để mọi người có những góc ảnh đẹp hơn”. Nhân hơi trầm đi một chút khi kể rằng, dù đã ghi rõ trên tấm ván là “chơi nhớ giữ” nhưng chiếc xích đu này đã 2 lần bị ai đó cắt đứt dây. “Khi thấy cảnh ấy tự nhiên trong lòng mình buồn vô hạn, nỗi buồn không thể lấy gì khỏa lấp được. Mình tính không ra đó lần nào nữa, nhưng về nhà nằm nghĩ buồn cũng không biết đi đâu nên lại chạy đi mua dây treo chiếc xích đu lên. Hy vọng, lần này nó sẽ tồn tại được lâu hơn”.
Trong ánh nắng nghiêng nghiêng của Phố núi nhìn ra từ phía rừng thông, chiếc xích đu như có hồn hơn bởi đã được gửi trọn tâm ý của người làm ra nó. Chỉ mong những ai đến đây vui chơi, giải trí thì nhớ giữ gìn vì người tạo ra nó cũng chỉ muốn đem lại niềm vui cho tất cả mọi người. Tôi chợt nghĩ, đây là một ý tưởng rất hay vì cộng đồng; thay vì những chiếc ghế đá dọc đường, những chiếc xích đu trong khu rừng sẽ là lựa chọn khá phù hợp với cảnh trí nơi đây. Mong rằng những lần sau quay lại, chiếc xích đu này vẫn còn và nó sẽ có thêm nhiều “bè bạn” mang tên xích đu.
Võ Minh Hạnh

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.