Bệnh xá quân-dân y Bình Dương: Địa chỉ tin cậy ở vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày này, nắng biên giới mùa khô thật không dễ chịu. Ấy thế mà vừa bước vào khuôn viên Bệnh xá quân-dân y Bình Dương (Công ty TNHH một thành viên Bình Dương, Binh đoàn 15), không gian xanh mát, sạch sẽ đã khiến chúng tôi có cảm giác thật nhẹ nhàng, thoải mái.  
Sau 16 năm đi vào hoạt động, đến nay, Bệnh xá quân-dân y Bình Dương đã điều trị ban đầu cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân. Đây cũng là nơi tiếp nhận những ca cấp cứu do tai nạn giao thông, tai nạn do đi rừng, ngộ độc hóa chất, rắn cắn, những ca sản khó... của người dân các xã Ia Tôr, Ia Me, Ia Vê, Ia Piơr, Ia Púch (huyện Chư Prông). Có nhiều ca bệnh có hoàn cảnh khá đặc biệt đã vượt qua nghịch cảnh nhờ sự tận tâm giúp đỡ của đội ngũ y-bác sĩ ở đây.
   Bệnh xá Quân-dân y Bình Dương phối hợp Bệnh viện Quân y 15 khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân biên giới. Ảnh: Đ.Y
Bệnh xá Quân-dân y Bình Dương phối hợp Bệnh viện Quân y 15 khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân biên giới. Ảnh: Đ.Y
Thiếu tá, bác sĩ Phạm Văn Bình-Bệnh xá trưởng-cho biết: Năm 2003, Bệnh xá được thành lập với 2 phòng khám và 3 buồng điều trị. Ngoài khám-chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, Bệnh xá còn trở thành địa chỉ tin cậy của người dân vùng biên, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Làm việc tại đây trong 16 năm qua, y tá Rơ Châm Len cho biết, mỗi năm chị đỡ đẻ gần trăm ca, trong đó có nhiều ca sinh khó. Chị Len kể: “Rất nhiều trường hợp sinh khó như đẻ non, thai ngược, song sinh, băng huyết sau sinh... chúng tôi đều đỡ thành công”. Chị vẫn nhớ mãi trường hợp cấp cứu một sản phụ đẻ ngược. Người phụ nữ này khi chuyển dạ đã quyết định tự sinh ở nhà. Sau gần 3 giờ vật lộn do thai ngược, người nhà đưa sản phụ đến Bệnh xá trong tình trạng 2 chân đứa bé đã chòi ra ngoài. “Sau khi kiểm tra, tôi cùng một y tá nữa đã dùng tay lựa hướng để đưa cháu bé ra ngoài một cách an toàn. Trong vòng 10 phút, chúng tôi đã đỡ thành công ca sinh ngược đó”. Cũng theo chị Len, Bệnh xá cũng từng đỡ những ca sinh đôi, đẻ non bằng phương pháp sinh thường. 
Nhờ sự tận tâm của những người thầy thuốc nên Bệnh xá ngày càng nhận được sự tin tưởng của đông đảo người dân. Chị Rơ Châm Bul (làng Kly, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông) cho biết, chị thường đưa 4 đứa con của mình đến đây để khám-chữa bệnh. Con chị mỗi khi bị ho hay sốt cao đều được các y-bác sĩ thăm khám và cấp thuốc miễn phí. 
Trước nhu cầu khám-chữa bệnh ngày càng cao của người dân, Bệnh xá đã đầu tư và đưa vào hoạt động 10 giường bệnh, trang bị đầy đủ máy siêu âm, máy chụp X-quang, máy đo điện tim, xe cứu thương... Bệnh xá được biên chế 1 bác sĩ, 1 dược sĩ, 2 y sĩ, 2 y tá và 2 điều dưỡng. Các y-bác sĩ ở đơn vị cũng luôn được tạo điều kiện nâng cao về trình độ, tay nghề. Tính riêng năm 2018, Bệnh xá đã tổ chức khám, điều trị, tư vấn sức khỏe cho trên 14.000 lượt người dân ở khu vực biên giới, trong đó các ca cấp cứu, chuyển tuyến đều thành công, không để xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
Cùng với khám-chữa bệnh tại Bệnh xá, các y-bác sĩ còn thường xuyên phối hợp với các trạm y tế cơ sở, Đồn Biên phòng xuống các thôn, làng để khám bệnh cho người dân và tiêm chủng mở rộng. Đồng thời tuyên truyền cho người dân địa phương về việc ăn ở hợp vệ sinh, xóa bỏ hủ tục cúng bái khi đau ốm; quan tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; cách phòng tránh một số bệnh thông thường... Vì vậy, Bệnh xá quân-dân y Bình Dương đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy của cán bộ, chiến sĩ và người dân vùng biên khi bị ốm đau. Tấm lòng và sự tận tụy của các y-bác sĩ mang quân hàm xanh nơi đây đã và đang góp phần thắt chặt cảm tình quân dân nơi vùng biên giới.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.