Ban mai trên suối Thác Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Làng Ngol thuộc địa phận xã Hneng, huyện Đak Đoa, cách trung tâm TP. Pleiku chừng 15 km về hướng Đông Bắc. Nơi đây có một thắng cảnh mà người dân địa phương quen gọi là Thác Ba. Kỳ thực đây chỉ là một ghềnh thác nhỏ. Nhưng với cảnh sắc thiên nhiên đậm nét nguyên sơ thì suối Thác Ba xứng danh là “miền thiên đường còn sót lại” giữa cao nguyên.
Băng qua “miền đồng xanh”, tiến vào sâu trong làng, con đường dẫn đến suối quanh co, chạy song song với vườn tược xanh um. Cỏ lá nơi đây sinh sôi, nảy nở mà khiến ta có cảm giác như chẳng còn một vùng đất trống. Buổi sáng ở một không gian tách biệt với phố thị, mặt trời tỏa hơi ấm xua đi cái xám lạnh của những ngày cuối đông. Gió ấm và xốn xang.
  Nét đẹp nguyên sơ của suối Thác Ba. Ảnh: Phạm Quý
Nét đẹp nguyên sơ của suối Thác Ba. Ảnh: Phạm Quý
Dẫu biết miền đất Gia Lai có cảnh quan khá đa dạng nhưng khi tận mắt thưởng ngoạn khung cảnh suối Thác Ba, hẳn du khách sẽ không cầm lòng được trước một vẻ đẹp rất đỗi tinh khôi. Giữa đại ngàn xanh ngắt, dòng suối như chiếc gương dài soi giữa bầu trời. Những tia nắng sớm rọi xuống mặt gương, phản chiếu vẻ sáng trong khiến cho những ai buồn tẻ nhất cũng như muốn cất khẽ lên một đôi câu hát. Sự giao hòa giữa mây trời, đá núi và dòng nước xiết chính là điểm nhấn của bức tranh thủy mặc được vẽ ra giữa đất trời. Không thích thú sao được khi thấy những cội đá lăn vào nhau, hối hả giữ mình để không phải trôi tuột theo ghềnh suối. Những thảm rêu mềm mại bám chặt vào thành đá, bụi cây rừng cũng mọc len vào đá. Từng cá thể nơi này tựa vào nhau mà nảy nở, căng tràn.
Suối Thác Ba sẽ là điểm đến lý tưởng cho những ai từng ước một lần được làm kẻ du ca. Ở đó có tiếng suối khẽ róc rách, tiếng chim rừng lảnh lót… Tất cả những âm thanh tuyệt diệu đó sẽ đệm cho khúc hát tuổi trẻ được ngân vang. Phía trên ghềnh suối, ngọn lá biếc đu đưa trên cành cây to, tỏa bóng xuống chiếc cầu gỗ bé nhỏ bắc ngang qua. Đây thật sự là nơi thích hợp để dựng một lán trại nhỏ, lưu lại trong ngày để cùng ăn uống, vui đùa bên bạn bè giữa tán rừng già và khe suối vắng.
Người dân trong làng chủ yếu sống bằng nghề trồng cà phê, hồ tiêu, rau củ quả… Họ vẫn khiêm nhường và lặng lẽ trên rẫy vườn, dường như không biết rằng nơi mình sống tọa lạc một thắng cảnh có tiềm năng du lịch đến như vậy. Đó là một khoảng trời trong trẻo đến mức có lúc người ta chẳng dám nói to, chỉ khe khẽ ra hiệu với nhau, sợ làm mất đi thứ gì đó nguyên sơ trong chính tâm hồn.
Khi Tết cổ truyền càng đến gần, những người ưa xê dịch lại càng muốn tìm cho mình những nơi chốn thật mới mẻ để khám phá. Tuy suối Thác Ba chưa phải là một thắng cảnh nổi tiếng nhưng nếu bạn tìm đến đây một lần sẽ không cảm thấy phí hoài thời gian của bản thân. Và thêm tin rằng: Mỗi góc trời đơn sơ nơi ta dừng chân đều là một kiến tạo kỳ vĩ của tạo hóa.
 Lữ Hồng

Có thể bạn quan tâm

Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.