Làng hiếu học nơi biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai) có 93 thôn, làng, trong đó có hơn 70% làng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, tỷ lệ học sinh nghỉ học, bỏ học còn khá cao. Thế nhưng, làng Sung Kắt, xã Ia Kla lại được mệnh danh là làng của những sinh viên. Bởi lẽ, Sung Kắt có gần 20 em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
  Trường Tiểu học Ngô Mây là nơi con em làng Sung Kắt (xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) theo học.  Ảnh: N.S
Trường Tiểu học Ngô Mây là nơi con em làng Sung Kắt (xã Ia Kla, huyện Đức Cơ, Gia Lai) theo học. Ảnh: N.S
Theo giới thiệu của ông Ksor Kre-Chủ tịch UBND xã Ia Kla, chúng tôi tìm đến nhà em Rơ Lan Tê Lê (làng Sung Kắt). Chị Rơ Lan HLan, mẹ của Tê Lê, cùng con ra đón chúng tôi. Trong câu chuyện thân tình, chị HLan không giấu nổi niềm vui khi 2 cậu con trai là sinh viên đại học cùng về thăm nhà đợt này. Chị cho biết, nhà có 4 người con, con trai cả Rơ Lan Tân đang là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Chính trị (Bộ Quốc phòng), còn Rơ Lan Tê Lê thi đỗ vào ngành Quản lý Nhà nước (Trường Đại học Quy Nhơn). Đó là niềm vui rất lớn đối với gia đình. Riêng với Tê Lê, được trở thành sinh viên đại học và học đúng ngành yêu thích là điều rất đáng tự hào. Tê Lê chia sẻ: “Bố mẹ còn khó khăn nên em sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này đỡ đần gia đình”.
Cùng chúng tôi đến thăm một số gia đình ở làng Sung Kắt có con em đang theo học đại học, Trưởng thôn Rơ Mah Phích, đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học của thôn, vừa đi vừa chia sẻ: Sung Kắt hiện có 110 hộ, trong đó có 97 hộ dân tộc thiểu số. Làng có 16 em đang học đại học, cao đẳng chính quy, chưa kể các em đang học trung cấp, học nghề hoặc học đại học hệ vừa học, vừa làm. So với các làng dân tộc thiểu số khác trong xã, làng Sung Kắt có nhiều em đang theo học đại học, cao đẳng hơn cả. Trong làng hiện có 3 gia đình có 2 con đang học đại học. “Để có được kết quả như trên, ngoài sự cố gắng của các cháu thì việc tuyên truyền, vận động của thôn cũng đã mang lại kết quả khả quan. Trong những cuộc họp thôn, cán bộ luôn khuyến khích các gia đình động viên con em cố gắng học tập, không bỏ học giữa chừng. Mình nghèo mấy, khổ mấy cũng cho con đi học để biết chữ, để nhận thức tốt hơn, sau này giúp gia đình và xã hội”-anh Phích chia sẻ.
Học sinh Trường Tiểu học Ngô Mây (xã Ia Kla, huyện Đức Cơ, Gia Lai) giờ tan trường. Ảnh: N.S
Học sinh Trường Tiểu học Ngô Mây (xã Ia Kla, huyện Đức Cơ, Gia Lai) giờ tan trường. Ảnh: N.S
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kla-cho biết: Trong số 10 thôn làng trên địa bàn xã Ia Kla, làng Sung Kắt có phong trào học tập tốt nhất. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, năm nào làng cũng có học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Trong làng, các bậc phụ huynh rất quan tâm đến việc học tập của con em. Hiện làng Sung Kắt có nhiều người đã học hành thành đạt, trở thành cán bộ của huyện, của xã, trong đó có Chủ tịch UBND xã và Chủ tịch HĐND xã; nhiều người là giáo viên...
“Từ năm 2015 đến nay, làng Sung Kắt đã có 4 em học xong đại học và ra trường, có việc làm ổn định. Chúng tôi mong muốn, sau khi các sinh viên hoàn thành chương trình đại học, địa phương sẽ có chính sách ưu đãi để các em có điều kiện công tác tại quê nhà góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển”-ông Nguyễn Văn Đồng chia sẻ.
Phạm Ngọc

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.