Mưa nơi Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ở Phố núi này, mưa không đợi bão về, cũng chẳng chờ Ngưu Lang Chức Nữ.
Mưa trên vùng đất Tây Nguyên này cũng có nhiều cái lạ lắm. Lạ từ chính trong địa giới một tỉnh, tùy vào địa hình và độ cao khác nhau mà nơi thì “thối đất thối cát” nhưng có nơi khát từng cơn mưa về. Mùa mưa ở Pleiku kéo dài vài tháng, tùy thời điểm mà có nắng ít ngày, rồi lại mưa và mưa. Thường chỉ mưa một vài ngày là lòng người thấy nản, vậy mà thời gian gần đây mưa kéo dài liên tục, triền miên. Người dân Phố núi ngày ngày vẫn chờ một tia nắng để sưởi ấm, nhưng đôi mắt Pleiku thì cứ buồn, ngân ngấn lệ rơi, sắc mặt lúc nào cũng xanh xẩm như anh lính bị sốt rét. Thế nên ở thành phố núi nhỏ bé này, mọi người cứ thế mà sống-ngủ cùng mưa, dung hòa với nó dù có ở trong tình thế bí bách.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Mưa Phố núi chưa gọi đã đến và đi không chào; tính khí đỏng đảnh, khó chiều như cô gái mới lớn muốn thử lòng các chàng si tình. Từ nhà bước ra, thấy cảnh trời bấm bụng chắc không mưa, vừa đi bỗng những giọt trong veo lộp độp ập đến, vội vàng lấy chiếc áo mưa khoác lên người thì lại ngớt. Có lúc nắng vừa hửng lên, mây trắng còn nhởn nhơ thì thoắt cái mây đen kéo về, mưa ngọt lịm trải dài giăng kín đường chiều. Cứ thế, suốt mấy tháng nay là những cơn mưa dầm dề, não nề, bất tận theo thời gian.
Có những khi cùng trên một cung đường, có người thì đang hối hả trốn mưa, có đoạn vẫn có tiếng trẻ nô đùa trong nắng. Nó giống như mưa bóng mây nhưng không phải. Cái lạ ấy diễn ra thường xuyên trên đất này nên tất yếu trở nên bình thường. Có những ngày, không đợi người buồn, mưa bay bay, lất phất qua thời gian, xuyên không gian. Nó hao hao giống như mưa xuân miền Bắc, nhưng nặng hạt hơn và có gió hạ nên nó là mưa của em gái Pleiku. Có khi rả rích cả ngày lẫn đêm, cứ như mưa mùa nước lên; cũng có khi nặng hạt cứ như bão về, mà ào ào như ai đổ nước, từng giọt như viên sỏi độp độp trên hiên mái nhà. Cứ thế, từng trạng thái đan xen nhau ngày qua đêm, sáng về chiều. Để cho người cứ nhìn mà ngóng, mà mong, mà đếm, thổn thức tiếng lách cách, rủ rì trong gối màn.
Dẫu biết rằng mưa là buồn, nhưng đó là sự tích nước để chuẩn bị cho mùa khô kéo dài. Và nếu ai kia không chịu khó một chút thì làm sao có sự sống đâm chồi. Đất bazan ấy cứ phải có mưa như vậy mới đủ nước để tích tụ cho màu xanh của thông, màu trắng xuyến chi, màu tím của những vệt hoa mua bên vệ đường và sắc vàng của dã quỳ.
Tôi thích được ngắm những cung bậc khác nhau của mưa Phố núi để soi những thăng trầm cuộc đời. Nhìn mưa rơi, lòng không thôi nhớ về những hoài niệm xa xôi, nhớ tuổi thơ chân đất đầu trần, chăn trâu đằm mình bắt châu chấu cào cào, bắt cá rô đồng, cắt lúa chạy lũ, nhớ về tình yêu đã từng đi qua trong đường đời và nhớ cả những gì vu vơ không tên tuổi… Có đến và chạm vào những cơn mưa lang thang trên đường phố nơi đây mới thấy đời sao mà dễ thương.
Nguyễn Văn Trung

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.