Mũ tai bèo anh Trí may

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cho tới bây giờ, thỉnh thoảng đi đâu đó, thấy trong quầy hàng lưu niệm ở các điểm tham quan du lịch có bán các loại vật dụng (tất nhiên là “bản sao”) của cán bộ, chiến sĩ cách mạng trong thời kháng chiến, trong đó, cái mà tôi quý nhất là chiếc mũ tai bèo và sẵn sàng mở hầu bao vì nó. Mũ tai bèo chính xác xuất xứ từ đâu cho tới nay tôi vẫn chưa thấy có tài liệu nào khẳng định, chỉ nghe anh em đồng nghiệp và một số cán bộ, chiến sĩ ngày trước bảo, mũ tai bèo xuất hiện lần đầu từ Đồng Khởi Bến Tre, trong đội quân tóc dài của nữ tướng Nguyễn Thị Định. Và, tôi cũng tin là như vậy.
 Tác giả và chiếc mũ tai bèo.   Ảnh: Bích Hà
Tác giả và chiếc mũ tai bèo. Ảnh: Bích Hà
Sau Đồng Khởi Bến Tre không lâu, mũ tai bèo xuất hiện khắp miền Nam, trong lực lượng vũ trang, cán bộ quân dân chính Đảng, như là… một loại quân trang không thể thiếu trong đoàn quân giải phóng. Trong “Bài ca xuân 68”, nhà thơ Tố Hữu từng viết về chiếc mũ tai bèo như thế này: “…Ơi cái mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ/Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành/Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh/Mà xông xáo, mà tung hoành ngang dọc/Mạnh hơn tất cả đạn bom, làm run sợ cả Lầu Năm Góc…”. Ở K8 (An Khê) ngày trước cũng thế, mũ tai bèo là vật không thể thiếu đối với mọi người. Tuy vậy, quân trang từ hậu cần cấp trên không thể đáp ứng đủ và kịp thời. Anh Lê Thanh Hiển-nguyên Phó Bí thư Thị ủy An Khê-có lần kể với tôi: Hồi năm 1964, ở xã Song An (An Khê) có một người thợ may, anh ấy là Lê Văn Trí. Sau khi anh “giác ngộ”, đội công tác của ta đã động viên anh thoát ly tham gia cách mạng và thêm một điều kiện nữa là anh Trí cần đem theo một chiếc máy may của nhà anh.
Khi theo các anh cán bộ đội công tác cánh Bắc K8 về hậu cứ, phía Kông Chro ngày nay, với tôi khi ấy thứ gì cũng lạ, đặc biệt là trong rừng mà cũng có người may máy. Về sau, tôi được biết, nhiệm vụ của anh Trí là… may vá. Anh được giao toàn quyền trong việc may, từ cờ giải phóng nửa xanh nửa đỏ, đến vải làm băng rôn, khẩu hiệu, quần áo, khăn tay, bọc võng, dù ngụy trang, bao ăng-gô, ghi-gô, ba lô con cóc, đặc biệt là mũ tai bèo. Vải đảm bảo cho việc may của anh Trí từ các nguồn, một là nhận của hậu cần tỉnh, hai là từ cơ sở của cách mạng mua trong thị trấn An Khê bí mật đưa ra cho các đội công tác. Sau này khi vùng giải phóng của Bình Khê, Vĩnh Thạnh, Vân Canh (tỉnh Bình Định) được mở rộng, các cán bộ, chiến sĩ được phân công về những nơi ấy để mua vải và gùi, cõng lên K8. Anh Trí rất khéo tay trong may vá. Những chiếc mũ tai bèo anh may không thể chê vào đâu được. Không còn nhớ mỗi ngày anh “sản xuất” được bao nhiêu chiếc mũ, nhưng số lượng làm ra chẳng khi nào đủ đáp ứng cho cả cán bộ, chiến sĩ trong vùng. Lúc rỗi việc, tôi hay lân la bên anh và anh cũng rất mến chú lính tí hon này. Vì thế thỉnh thoảng anh tranh thủ may riêng cho tôi cái áo sơ mi hoặc chiếc mũ tai bèo bằng vải tốt và trông xinh xinh hơn loại đại trà. Có một chi tiết mà tôi không bao giờ quên khi nghĩ về anh, đó là anh hay hát một mình khi đạp máy may, tiếng hát khe khẽ của anh hòa trong tiếng rè rè của chiếc máy may đạp chân. Anh kể cho tôi nghe vì sao anh hay hát bài “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Khi thấu hiểu ý nghĩa của những ca từ trong bài hát, tôi cũng thích bài ca này và chẳng mấy chốc thuộc làu làu chẳng kém gì anh.
Sau này, nhân dịp về công tác ở An Khê, tôi ghé thăm anh, thấy anh vẫn khỏe, rất mừng cho anh. Nhưng chỉ vài năm sau, hỏi thăm thì được biết anh đã mất. Đáng tiếc, những thứ đồ anh may cho tôi, nhất là chiếc mũ tai bèo, vật kỷ niệm của anh dành cho tôi khi tôi rời K8 về tỉnh để đi học xa-năm 1974, tôi đã sơ ý không giữ lại được. Tôi được biết (và thấy) rất nhiều nơi ngành Bảo tàng sưu tầm, bảo tồn, trưng bày khá nhiều hiện vật của thời kháng chiến, như một thông điệp của thế hệ trước dành cho các thế hệ hiện thời và mai sau hiểu về quá khứ của cha ông, từ những vật dụng đơn sơ, giản dị tự sáng tạo ra, như chiếc mũ tai bèo chẳng hạn, thế mà làm nên những chiến công lẫy lừng, chống xâm lược, thống nhất non sông… Còn ở Gia Lai, những hiện vật quý ngày xưa ấy tôi thấy chưa nhiều trong các bảo tàng, “bản sao” của chúng cũng xuất hiện không nhiều ở nhà lưu niệm, quầy hàng của những tụ điểm tham quan du lịch…
Ngày ấy, khi trong rừng già, lúc ở hậu cứ cũng như trên đường hành quân ra vùng địch hậu hay lúc chiến đấu mặt giáp mặt với quân thù, sống chết chỉ trong tích tắc, chiếc mũ tai bèo luôn trên đầu của các chiến sĩ, cô giao liên, anh chị em du kích, cả đội quân làm công tác hậu cần… Khi mưa nắng, lúc nghỉ ngơi, bất cứ ở đâu mũ tai bèo cũng là vật dụng không rời. Ngày nay, chúng tôi thấy nhiều người vẫn còn yêu lắm chiếc mũ tai bèo, màu xanh xanh mềm mại, khi dưới nắng, đội lên đầu, xa trông mà dễ thương đến là… “Như một bàn tay nhỏ/Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành/Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh”! Và, với tôi, chiếc mũ tai bèo anh Trí may tặng năm nào là luôn là chiếc mũ đẹp nhất!
Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.