Diên Hồng buổi sớm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hồi còn ở Pleiku (Gia Lai), cứ mỗi sáng sớm cuối tuần, chúng tôi lại tới Công viên Diên Hồng để dạo bộ. Ngày nghỉ, thành phố dậy muộn hơn, những con đường trở nên yên tĩnh đến nỗi người ta có thể nghe thấy tiếng bước chân và nhịp thở của chính mình.
Công viên nằm dưới con dốc thoai thoải là nút giao giữa đường Thống Nhất và Lê Quý Đôn. Bao trùm cảnh vật nơi đây là màu xanh tươi mát. Đó là màu xanh non thướt tha của hàng liễu lòa xòa rủ xuống mặt hồ xanh ngọc bích, cái sắc xanh của rêu, của tảo dày đặc trong lòng hồ. Trên những triền đồi phủ rợp màu xanh mơn mởn non tươi của cỏ và sắc xanh rậm rạp của những tán thông đang reo trong gió. Gió thổi từng cơn, tiếng thông reo rì rào từng đợt, như tiếng sóng vỗ bờ của biển, lại gợi ra trong tâm trí ta cái sắc xanh rì của biển mà Phố núi luôn mơ tưởng, nhớ mong. Điểm xuyết trên màu xanh non biếc rờn ấy là sắc đỏ tươi của những chùm hoa liễu, màu trắng ngọc ngà của những bông hoa giấy hay li ti đốm vàng của những bông hoa dại. Tất cả cây cỏ được phong kín trong lớp màng sương mỏng chùng chình giăng mắc khắp lối. Thiên nhiên lúc này như người thiếu nữ trinh khôi, tươi nguyên và trọn vẹn nhất.
 Công viên Diên Hồng (TP. Pleiku). Ảnh: internet
Công viên Diên Hồng (TP. Pleiku). Ảnh: internet
Những con đường để người ta đi bộ uốn cong mềm mại viền theo hình dạng của hồ. Quanh bờ hồ được đắp bằng thành bê tông và còn có một con đường nhỏ ngăn cách thành hồ với trảng cỏ trên những triền dốc. Giữa mỗi mảng bê tông có những khe hở nhỏ mà cua ở dưới hồ hay bò vào trong đó ẩn náu. Và sáng sớm nào chúng tôi cũng thấy có người ở con đường nhỏ ấy, khều cua trong khe rồi bắt về. Đi sâu vào khuôn viên, người ta có thể để ý thấy những con thú nhỏ được nuôi trong chuồng, ẩn sau những vòm lá khuất. Bên cạnh đó còn có tiếng bóng bùm bụp của những thanh niên đá bóng trên sân cỏ hay tiếng trò chuyện rì rầm của những người lớn tuổi đi bộ tập thể dục.
Tôi thích nhất là khi bước lên cầu, chiếc cầu treo vàng uốn cong bắc ngang qua lòng hồ Đức An. Ban đầu, người ta sẽ rờn rợn vì tiếng ken két của cầu khi bước lên, nhưng khi qua đi sự ngần ngại đó thì ta có cảm giác khoan khoái như đang đứng ở trung tâm đất trời để ngắm nhìn toàn cảnh. Từ đây, ta có thể chiêm ngưỡng được trọn vẹn màu xanh đầy sức sống trải dài khắp nơi. Nhìn xuống, gió lay nhẹ trên hồ, mặt hồ thoảng xao động. Có con cá ngoi lên mặt hồ, quẫy mạnh tạo thành những vòm sóng tỏa rộng, lan xa. Đôi khi ta còn nghe được tiếng “ục” của nước, và ta dự đoán, đó hẳn là một con cá to. Nhìn lên, điểm xuyết cho nền trời xanh là những cụm mây trắng mỏng mảnh. Đứng trên cầu, ta chờ đón bình minh lên, mặt trời nhẹ nhàng tỏa nắng. Cây cỏ và mặt hồ hắt lại sắc vàng dìu dịu của mặt trời. Cầu vàng càng chói giữa ánh mặt trời. Sương đang tan. Và đã đến lúc ta trở về nhà.
Với tôi, công viên vào buổi sáng sớm là nơi ta có thể cảm nhận sự mát lành, tinh khôi và tuyệt vời của đất trời, để lòng mình giao hòa với thiên nhiên và để tâm hồn có những khoảng lặng giữa những ồn ào, tấp nập của cuộc sống đời thường.
Nguyễn Đức Hiền

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.