Kbang: Gắn lễ hội với phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trên vùng đất Kbang hiện còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng địa phương đã có nhiều giải pháp quản lý, phát huy giá trị lễ hội gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch.
Phát huy giá trị lễ hội
Hàng năm, tại xã Kông Lơng Khơng có khá nhiều lễ hội diễn ra như: “Hội xuân” của đồng bào các DTTS phía Bắc; lễ “Mừng lúa mới”, “Đóng cửa kho”, “Mừng nhà rông mới” của người Bahnar. Ông Nguyễn Đình Quân-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Kông Lơng Khơng-cho biết: Cứ vào đầu tháng Giêng hàng năm, xã lại tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc. Đây là dịp để 8 dân tộc anh em gồm: Bahnar, Kinh, Tày, Nùng, Thổ, Thái, Hrê và Mường sinh sống trên địa bàn xã giao lưu, giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ngày hội cũng là dịp quảng bá, giới thiệu với du khách những nét văn hóa truyền thống và phong tục tập quán của đồng bào DTTS địa phương.
Ở thị trấn Kbang, nhiều lễ hội của đồng bào DTTS cũng được duy trì gắn liền với các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao lành mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia. Ông Đinh Thiêng-Trưởng thôn Chiêng (thị trấn Kbang) cho hay: Những năm qua, người dân trong thôn không còn tình trạng ăn tết riêng (tết trâu, tết bò) kéo dài nhiều ngày gây lãng phí. Thay vào đó, bà con ăn Tết cổ truyền của dân tộc, tạo không khí hứng khởi trong những ngày đầu năm mới. Một số lễ cúng truyền thống như: mừng nhà rông mới, mừng lúa mới, cầu mưa… được duy trì tổ chức gắn với các sự kiện của địa phương. 
Biểu diễn cồng chiêng tại Ngày hội du lịch huyện Kbang năm 2019. Ảnh: P.N
Biểu diễn cồng chiêng tại Ngày hội du lịch huyện Kbang năm 2019. Ảnh: P.N
Theo ông Đinh Văn-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kbang, thời gian qua, UBND thị trấn chỉ đạo các đoàn thể thực hiện tốt công tác quản lý các lễ hội truyền thống trong đồng bào Bahnar thuộc 6 làng; đồng thời, tuyên truyền, vận động dân làng tổ chức các lễ hội đảm bảo an toàn, đúng pháp luật, gắn với bảo vệ môi trường, phát huy vai trò và ý nghĩa của lễ hội trong đời sống xã hội ở địa phương. Qua đó, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn thị trấn đã có sự chuyển biến tích cực. Hoạt động lễ hội đã đi vào nền nếp, trang trọng. Những kết quả đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.
Gắn với phát triển du lịch
Kbang là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, trong đó có các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Để phát triển du lịch, huyện rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã đầu tư gần 800 triệu đồng để phục dựng các lễ hội, trang phục truyền thống, truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng… của người Bahnar.
Hiện nay, tất cả các làng trên địa bàn huyện đều có ít nhất 1 đội cồng chiêng. Hàng năm, huyện còn tổ chức các cuộc thi nhằm khơi dậy ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS. Nhờ đó, khách du lịch đến với Kbang tăng lên rõ nét. Từ năm 2017 đến năm 2019, trung bình mỗi năm, huyện đón khoảng 35.000 lượt khách du lịch.
Thi đẩy gậy tại “Ngày hội du lịch huyện Kbang-2019”. Ảnh: P.N
Thi đẩy gậy tại Ngày hội du lịch huyện Kbang năm 2019. Ảnh: P.N
Ông Đinh Đình Chi-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang-cho biết: Để công tác quản lý hoạt động lễ hội đạt hiệu quả và nhận được sự đồng thuận cao của người dân, huyện thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức. Lãnh đạo huyện cũng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương, Mặt trận, đoàn thể thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội lồng ghép vào các ngày lễ, Tết. Chính vì thế, đa phần các lễ hội được tổ chức chặt chẽ, an toàn, tiết kiệm, đảm bảo đúng nghi thức, nghi lễ, phong tục truyền thống. Mỗi dịp lễ hội cũng là khoảng thời gian để người dân và du khách được hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc.
Để công tác quản lý và tổ chức lễ hội đi vào nền nếp, vừa đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, vừa góp phần phát triển du lịch địa phương, việc nâng cao nhận thức của những người tham gia được xem là mấu chốt. Các đơn vị quản lý lễ hội cũng phải đặc biệt quan tâm và có kế hoạch cụ thể về tất cả các vấn đề liên quan đến việc tổ chức.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để việc quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy định của pháp luật, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm. Cùng với đó, phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian để các lễ hội diễn ra sôi nổi, ý nghĩa hơn; gắn việc tổ chức tốt các lễ hội với phát triển du lịch, thu hút du khách tham quan, quảng bá văn hóa truyền thống của địa phương”-ông Chi thông tin.
PHẠM NGỌC

Có thể bạn quan tâm