Quảng Ninh và Đắk Lắk xúc tiến, kích cầu du lịch năm 2020

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại Chương trình xúc tiến và kích cầu, các đại biểu được thông tin về tiềm năng, thế mạnh du lịch của Quảng Ninh-Đắk Lắk; chính sách kích cầu du lịch, một số sản phẩm du lịch, dịch vụ mới của 2 tỉnh.
Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức Chương trình xúc tiến, kích cầu du lịch năm 2020.
Tại Chương trình, các đại biểu đã được thông tin về tiềm năng, thế mạnh của du lịch hai tỉnh Quảng Ninh và Đắk Lắk; chính sách kích cầu du lịch, một số sản phẩm du lịch, dịch vụ mới của hai tỉnh.
Ngoài ra, chương trình còn có phần hỏi đáp, đề xuất ý kiến của đại biểu đối với ngành du lịch hai tỉnh và phần bốc thăm trúng thưởng.
Phát biểu tại Chương trình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho biết Quảng Ninh sở hữu nguồn tài nguyên du lịch, văn hóa độc đáo và đặc sắc, nổi bật là Di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long tạo nên quần thể vịnh với trên 2.000 đảo đất, đá.
Quảng Ninh có “danh sơn đất Việt” Yên Tử kỳ vĩ, linh thiêng, huyền bí và bản sắc văn hóa độc đáo của 22 dân tộc anh em.
Năm 2019, tổng doanh thu từ nguồn du lịch đạt 29.488 tỷ đồng với trên 14 triệu lượt khách; trong đó khách quốc tế đạt gần 5,8 triệu lượt, thu ngân sách từ ngành du lịch đạt 3.568 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.
Ông Phạm Ngọc Thủy nhấn mạnh tỉnh Quảng Ninh xác định đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Hiện nay, tỉnh đã có Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, hệ thống đường cao tốc nối thủ đô Hà Nội và thành phố Hạ Long.,
Ngoài ra, Quảng Ninh còn có hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng đạt tiêu chuẩn quốc tế và chuỗi các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc như Khu nghỉ dưỡng Suối khoáng Quang Hanh, Công viên Sunworld Hạ Long, Sân golf FLC, tàu cao tốc tuyến Hạ Long-Cô Tô.
Tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch tổ chức trên 70 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch diễn ra từ nay đến hết năm 2020 để thu hút khách du lịch.
Quảng Ninh đã xây dựng chính sách kích cầu du lịch năm 2020 gồm các ưu đãi như miễn phí 100% tham quan vịnh Hạ Long, Khu di tích danh thắng Yên Tử, Bảo tàng Quảng Ninh vào các ngày 28/6, 9/7, 27/7, 19/8, 2/9, 20/10, 20/11, 22/12 và giảm 50% phí tham quan trong tháng Sáu này và tháng Bảy tới; các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh ưu đãi, giảm giá 30-50% các sản phẩm từ nay đến cuối năm 2020...
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy, Đắk Lắk nằm ở vị trí là trung tâm, là cửa ngõ của vùng Tây Nguyên, có các chương trình du lịch, sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng của vùng Tây Nguyên.
Người dân Đắk Lắk nói riêng và người dân Tây Nguyên nói chung chưa quan tâm nhiều đến Hạ Long, đến những giá trị đặc trưng của vùng đất Quảng Ninh. Do đó, ông Phạm Ngọc Thủy đề nghị các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch quan tâm, sớm thúc đẩy đường bay Vân Đồn-Buôn Ma Thuột; đồng thời kêu gọi người dân Đắk Lắk tới khám phá, trải nghiệm các chương trình du lịch hấp dẫn của du lịch Quảng Ninh.
Phát biểu tại Chương trình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Phạm Minh Tấn thông tin về tiềm năng, thế mạnh du lịch địa phương. Theo đó, tỉnh Đắk Lắk có tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên với các thác nước đẹp hùng vĩ như: Hồ Lắk, vườn Quốc gia Yok Đôn, thác Đray Sáp… và các khu rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú, các mặt hàng nông sản được xuất khẩu sang nhiều nước.
Địa phương có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, Đắk Lắk đã tập trung đầu tư hệ thống cơ sở vật chất và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, chú trọng phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái và du lịch văn hóa.
Bài cồng chiêng mừng lúa mới dân tộc Jơ Rai. (Ảnh: Sỹ Huynh/TTXVN)
Bài cồng chiêng mừng lúa mới dân tộc Jơ Rai. (Ảnh: Sỹ Huynh/TTXVN)
Hiện nay, Đắk Lắk đang thực hiện chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” với nhiều gói ưu đãi dành cho du khách. Thời gian tới, Đắk Lắk sẽ tập trung vào phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát triển các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Ông Phạm Minh Tấn nhấn mạnh tỉnh Quảng Ninh là địa phương có ngành du lịch phát triển với nhiều địa danh du lịch nổi tiếng.
Việc Quảng Ninh lựa chọn Đắk Lắk là nơi để tổ chức chương trình xúc tiến, kích cầu du lịch là tín hiệu tốt đối với ngành du lịch của tỉnh Đắk Lắk.
Ông Phạm Minh Tấn tin tưởng, hai tỉnh sẽ hợp tác, xây dựng được nhiều dự án liên kết để cùng phát triển ngành du lịch, để Quảng Ninh-Đắk Lắk luôn là những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Dịp này, Ban Liên minh kích cầu du lịch 2 tỉnh cũng thông tin về các gói kích cầu du lịch của mỗi tỉnh, trao đổi làm rõ những vấn đề trong quá trình tham gia liên kết xúc tiến, kích cầu.
Bà Nguyễn Thị Trực, Thường trực Ban liên minh kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh với phương châm giảm giá không giảm chất lượng, chúng tôi cũng muốn chuyển tải tới các công ty du lịch của Đắk Lắk cũng như người dân ở Đắk Lắk một số chính sách kích cầu của tỉnh Quảng Ninh cũng như của các công ty du lịch ở Quảng Ninh.
Trong đó, tỉnh Quảng Ninh có rất nhiều cơ chế, chính sách và trên tinh thần tất cả các đơn vị trong liên minh của chúng tôi đều có cam kết giảm giá các sản phẩm du lịch và các dịch vụ du lịch.
Chính vì thế chúng tôi đưa ra các gói kích cầu để nhằm thu hút du khách đến với Quảng Ninh ngày càng nhiều hơn, giới thiệu Quảng Ninh được nhiều hơn tới các khách hàng ở Đắk Lắk.
Theo Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Hấp dẫn các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại miền đất võ Bình Định

Hấp dẫn các điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại miền đất võ Bình Định

Ngày 13-4, tin từ Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày, hiện địa phương đang "chạy đua" để chuẩn bị, giới thiệu các điểm du lịch hấp dẫn sẵn sàng phục vụ, đón tiếp người dân và du khách. Trong đó, tỉnh giới thiệu nhiều điểm đến mới mẻ, hấp dẫn, đậm màu lịch sử...