Góc lữ hành: Phế tích trăm năm bên núi Chư Đang Ya

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên hành trình đến với núi Chư Đang Ya (huyện Chư Pah, Gia Lai) có một điểm đến tâm linh của người dân trong vùng, đó là ngôi nhà thờ cổ được xây dựng từ năm 1908 đến 1912. Trải qua bao biến cố của lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh và sự bào mòn của thời gian, nhà thờ này đã bị đổ nát, hư hỏng nhiều. Giờ đây, những gì còn được níu giữ chỉ là hình dáng một tháp cổ còn sót lại của ngôi thánh đường Hà Bầu thuở nào.

 

Chúng tôi vừa có cuộc hành trình về với công trình kiến trúc tôn giáo cổ xưa thuộc địa phận làng Ko, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Pah. Chốn hoang tàn ngày nào giờ lại trở thành điểm đến trên cung đường tham quan cũng bởi sự cổ kính, đổ nát nhưng vô cùng độc đáo.

  Qua hơn một thế kỷ, do sự tàn phá nặng nề của chiến tranh nên ngôi thánh đường này chỉ còn giữ lại được một phần tháp chuông và mặt trụ phía trước. Ảnh: Chu Thế Dũng
Qua hơn một thế kỷ, do sự tàn phá nặng nề của chiến tranh nên ngôi thánh đường này chỉ còn giữ lại được một phần tháp chuông và mặt trụ phía trước. Ảnh: Chu Thế Dũng



Qua hơn một thế kỷ, nhà thờ chỉ còn giữ lại bề mặt trước và tháp chuông. Quan sát những gì còn lại, du khách vẫn có thể thấy được sự tỉ mỉ, khéo léo về tay nghề của những nghệ nhân thời xưa với những đường nét kiến trúc toát lên sự phóng khoáng và tao nhã. Nhà thờ cổ Hà Bầu được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic của Pháp kết hợp với kiến trúc nhà sàn đặc trưng của Tây Nguyên. Hiện nay, vẫn còn một tấm bia phía mặt trước nhà thờ có ghi dòng chữ “Kỷ Dậu niên”-năm nhà thờ được xây dựng. Các trụ của tháp chuông vẫn còn nguyên vẹn; đứng bên dưới nhìn lên trên đỉnh tháp, một khoảng trời mở ra đầy diệu kỳ. Gạch dùng để xây nên những bức tường do chính giáo dân hàng trăm năm trước cõng bộ theo đường rừng từ huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) lên xây dựng. Giữa một phần bức tường còn khá vẹn nguyên lộ ra những viên gạch vỡ, từng mảng tường đá phủ màu rêu phong hòa cùng màu thời gian tạo nên một vẻ đẹp hoang phế, cổ xưa mang bao hoài niệm và tâm tư một thuở.

Trong cảnh hoang tàn, ngôi nhà thờ cổ ấy vẫn mang một vẻ đẹp kiêu hãnh, đẹp đến nao lòng. Khách đến tham quan nhà thờ ngày càng đông. Họ ngắm nhìn và chạm vào từng mảng tường còn sót lại như thể muốn níu lại chút gì của trăm năm. Xa xa, phía bên kia là ngọn núi Chư Đang Ya kỳ vĩ, là bức tranh lao động của người dân quanh vùng quyện hòa khiến lòng người chợt thấy an yên.

Chư Đang Ya là một miệng núi lửa đã tắt, có phong cảnh đẹp dung dị, mộc mạc như những người con của cao nguyên đại ngàn. Trải qua hàng trăm triệu năm, nham thạch núi lửa đã để lại cho Chư Đang Ya một vùng đất bazan màu mỡ. Khu vực này chủ yếu được người dân địa phương trồng các loại cây ngắn ngày như: bắp, khoai, dong riềng, bí đỏ... Được thiên nhiên ưu đãi, cây cối ở đây xanh tốt cả 4 mùa. Ít ai ngờ rằng, màu xanh rất đời thường ấy cộng với độ nghiêng độc đáo của triền núi được ánh sáng mặt trời chiếu rọi ở những góc cạnh khác nhau đã tạo cho Chư Đang Ya nét cuốn hút riêng. Nếu đến đây vào mùa hoa dã quỳ nở, du khách sẽ bất ngờ bởi bức tranh thiên nhiên huyền hoặc, lung linh, trước mảng màu vàng rực của dã quỳ, xanh ngắt của cây cỏ xen kẽ, ấp ôm, dập dìu trong gió để tôn nhau lên, làm đẹp, gọi mời.

Giờ đây, những gì cần làm là kết nối để tạo tuyến du lịch khám phá núi lửa Chư Đang Ya-nhà thờ cổ Hà Bầu để thu hút du khách. Thưởng ngoạn cánh đồng làng mơn mởn mùa lúa chín, nhìn ngắm những rặng xà cừ sừng sững chở che, xa xa là đỉnh Chư Nâm hùng vĩ ngút ngàn mây cũng sẽ là trải nghiệm thú vị cho du khách trên cung đường này.

 VÕ THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm

Du lịch 'trốn nóng' lên ngôi

Du lịch 'trốn nóng' lên ngôi

Kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 chứng kiến nắng nóng gay gắt như đổ lửa trải dài từ Bắc vào Nam, nên những bãi biển mát lạnh hay vùng núi cao ngập cây xanh trở thành ưu tiên của nhiều gia đình đi chơi dịp này với quan điểm: Du lịch là phụ, trốn nóng là chính.
Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

(GLO)- “Cơm lam, gà nướng không chỉ là món ăn mà còn chứa đựng câu chuyện về văn hóa của dân tộc Jrai. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực để trở thành đầu bếp giỏi nhằm chuyển tải câu chuyện văn hóa ấy đến với mọi người qua ẩm thực”-ông Yaih (58 tuổi, làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) bày tỏ.
Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

(GLO)- Từ trên cao, cánh đồng Ngô Sơn (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) đẹp tựa như một bức tranh. Dưới ánh hoàng hôn, từng thửa ruộng ánh lên sắc màu ấm áp, bình yên. Mời các bạn cùng ngắm nhìn vẻ đẹp của nơi này qua góc máy của tác giả Phạm Quý.
Homestay hút khách dịp lễ 30.4 - 1.5

Homestay hút khách dịp lễ 30.4 - 1.5

Chọn ở homestay nghỉ ngơi thư thái, tránh xa những điểm du lịch, khách sạn đông đúc, ồn ào và trải nghiệm khám phá thiên nhiên, đời sống người dân địa phương là lựa chọn của nhiều du khách dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 năm nay.
Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

(GLO)- Vào những chiều hè nắng rực, khi ánh hoàng hôn dần buông soi chiếu xuống mặt nước, hồ Ia Mua (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) trở thành một tấm gương khổng lồ, tạo nên khung cảnh yên bình và lãng mạn.