Nhiều trường hợp trẻ nhập viện vì hít sặc dị vật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời gian qua, tại các bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố, nhiều trường hợp trẻ nhập viện vì hít sặc dị vật. Xử trí đúng cách ngay sau khi trẻ bị sặc dị vật là điều quan trọng, giúp trẻ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
 

 Bệnh nhi ăn đậu phộng rồi bị hít sặc vào đường thở. Ảnh: BV
Bệnh nhi ăn đậu phộng rồi bị hít sặc vào đường thở. Ảnh: BV


Nhiều trẻ sặc dị vật phải nhập viện

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) vừa cấp cứu thành công trường hợp bệnh nhi L.T.B (18 tháng, TPHCM) nhập viện trong tình trạng ho khan nặng tiếng 2 ngày, rồi dần kéo tràng dài, sặc sụa tím tái.

Người nhà nghi ngờ bé ăn hạt đậu phộng rồi bị hóc. Trước ngày nhập viện, trẻ ho dai dẳng kèm ói ra đàm nhớt, có lúc kèm sốt. Gia đình đã đưa trẻ đi khám nhiều lần và được chẩn đoán là viêm phế quản, uống nhiều loại thuốc nhưng ho vẫn không hết hẳn.

Trẻ được nghi ngờ có dị vật trong đường thở, chụp phim phổi thấy tắc nghẽn hoàn toàn phế quản gốc phổi trái, gây ứ khí phổi trái. Nội soi phế quản cho thấy có dị vật nghi là hạt đậu phộng ở nhánh phế quản gốc trái.

Quá trình soi gắp dị vật gặp khó khăn do hạt đậu phộng ở lâu trong đường thở bị ngấm nước nên mủn đi, gắp ra bị bể vụn thành nhiều mảnh. Sau đó, ekip bác sĩ bơm rửa giả mạc nơi hạt đậu bám, cầm máu. Hiện sức khoẻ của bệnh nhi đã ổn định.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cũng cho hay thời gian qua, có rất nhiều trường hợp trẻ nuốt dị vật như hạt nhãn, sapochê, nuốt tăm xỉa răng, thậm chí có trẻ lớn nuốt bàn chải đánh răng,… Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp hóc dị vật dẫn đến những di chứng suốt đời, thậm chí đưa đến tử vong.

Xử trí khi phát hiện trẻ hít sặc, hóc dị vật

Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, dị vật đường thở do hít sặc rất thường gặp ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi do trẻ luôn có xu hướng cho các vật cầm nắm được bỏ vào miệng, sau đó hít sặc vào đường thở.

Quá nửa các trường hợp dị vật bị sặc là các loại đậu hạt nhỏ, đặc biệt là đậu phộng, trái cây nhỏ cắt hạt lựu,... Ngoài ra còn có các loại đồ chơi nhiều tiểu tiết nhỏ, vụn vỡ..

Những dị vật có hình dạng tròn thì nguy hiểm hơn do có thể gây bít hoàn toàn đường thở, gây ngạt thở cấp tính, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Những trường hợp sặc dị vật bị bỏ quên có thể dẫn tới tình trạng viêm phổi tái đi tái lại, sốt, ho kéo dài, ho ra máu, xẹp phổi,…

Để xử trí khi phát hiện trẻ sặc dị vật, bác sĩ Vũ cho hay nên tiếp tục để cho trẻ ho nhằm tống dị vật ra.

"Tuyệt đối không móc họng cho trẻ ói vì hành động này có nguy cơ đẩy dị vật vào sâu trong đường thở hơn hoặc làm cho dị vật đang từ bít đường thở không hoàn toàn trở thành bít đường thở hoàn toàn, khiến trẻ bị ngạt" - bác sĩ Vũ cho biết.

Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay đầu hơi chúc xuống, tay còn lại hơi khum vỗ mạnh vào lưng trẻ vùng giữa 2 xương bả vai.

Đối với trẻ lớn hơn, có thể đặt nằm ngửa xuống đất, 2 bàn tay người cứu nạn chồng lên nhau để ở vùng bụng dưới mũi ức (vùng thượng vị) đè ép xuống nhiều lần.

Đối với trẻ lớn và người lớn, có thể đứng phía sau lưng, 2 bàn tay nắm lại vào nhau ấn thốc mạnh vào vùng thượng vị theo hướng từ dưới lên trên và từ trước ra sau. Đây là một động tác có thể giúp cứu mạng cho nhiều trường hợp ngạt do sặc dị vật.

"Việc phòng bệnh hơn chữa bệnh. Không để các vật nhỏ lọt vào tay trẻ. Khi ăn cần chăm chú vào chuyện ăn, không cười giỡn trong lúc ăn nhằm tránh để xảy ra các trường hợp hít sặc đáng tiếc" - bác sĩ Vũ khuyến cáo.


https://laodong.vn/y-te/nhieu-truong-hop-tre-nhap-vien-vi-hit-sac-di-vat-1052624.ldo

Theo Thanh Chân (LĐO)
 

Có thể bạn quan tâm

5 loại trái cây tốt cho thận

5 loại trái cây tốt cho thận

Trái cây luôn được khuyến khích cho chế độ ăn lành mạnh. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh thận mạn tính, không phải tất cả các loại trái cây đều tốt.
Lợi ích sức khỏe bất ngờ của ăn cơm và gạo lứt

Lợi ích sức khỏe bất ngờ của ăn cơm và gạo lứt

Để dễ chìm vào giấc ngủ, các chuyên gia thường khuyến nghị mọi người nên thực hiện các hoạt động thư giãn như thiền hay nhâm nhi trà hoa cúc gần giờ đi ngủ. Thế nhưng, một số nghiên cứu cho thấy ăn cơm hay gạo lứt trong các bữa ăn hằng ngày cũng góp phần giúp dễ ngủ.