Khoa Sơ sinh-Bệnh viện Nhi: Mang lại niềm vui cho bà mẹ sinh non

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ được chuyển giao nhiều kỹ thuật mới mà Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai) có điều kiện nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, đặc biệt là chăm sóc trẻ sinh non, nhẹ cân, góp phần mang lại niềm vui cho nhiều gia đình.
Sinh non khi mới 29 tuần tuổi thai, con gái của chị Rơ Châm Xuyên (làng Châm, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai) chỉ nặng 800 gram. Cháu còn bị suy hô hấp và nhiễm trùng sơ sinh. Sau 1 tháng được chăm sóc, điều trị và nuôi dưỡng trong lồng ấp với sự chăm sóc đặc biệt của các bác sĩ, điều dưỡng viên của Khoa Sơ sinh, đến nay, sức khỏe của bé đã ổn định, cân nặng được 1,3 kg.
Chị Xuyên chia sẻ: “Khi mình mang thai khoảng 6 tháng thì chuyển dạ, sinh non. Con sinh ra chỉ nặng 800 gram nên mình rất lo. Khi chuyển lên Bệnh viện Nhi tỉnh, bác sĩ chăm sóc nhiệt tình và hướng dẫn mình cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Cảm ơn các bác sĩ và điều dưỡng viên đã quan tâm chăm sóc cho bé”.
Chăm sóc trẻ sinh non tại Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi tỉnh). Ảnh: Như Nguyện
Chăm sóc trẻ sinh non tại Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Nhi tỉnh). Ảnh: Như Nguyện

Tương tự, chị Uyên (làng Nú 1, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) cũng sinh non khi mang thai được 6 tháng. Chị cho biết: “Tôi sinh con ở Trung tâm Y tế huyện Ia Grai. Sau đó, bé thở yếu nên chuyển lên Bệnh viện Nhi tỉnh vào ngày 24-2. Lúc sinh, bé chỉ nặng 1,2 kg. Hiện nay, cân nặng của bé gần 2 kg. Các y-bác sĩ ở đây rất quan tâm chăm sóc và động viên thường xuyên. Sức khỏe của bé cũng dần tốt lên nên gia đình rất yên tâm”.

Còn chị Nguyễn Thị Hiền (tổ 4, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) thì thổ lộ: Tháng 9-2019, lúc mang thai 29 tuần thì chị bị sốt xuất huyết và sinh non. Sau đó, bé được chuyển qua Bệnh viện Nhi tỉnh. Nhờ các y-bác sĩ chăm sóc mà bé khỏe mạnh và xuất viện.

Nhờ thường xuyên được tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nên chất lượng khám-chữa bệnh tại Khoa Sơ sinh ngày càng được nâng cao, điều trị nhiều ca bệnh khó, góp phần hạn chế tình trạng chuyển tuyến, giảm chi phí cho người bệnh. 

21-4-2021Gia đình chị Nguyễn Thị Hiền- tổ 4, thị trấn Mang Yang, huyện Mang Yang ghé thăm các y bác sĩ Khoa Sơ sinh cám ơn sự chăm sóc tận tình trong thời gian con trai điều trị tại đây. Ảnh Như Nguyện
Gia đình chị Nguyễn Thị Hiền (tổ 4, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) ghé thăm các y-bác sĩ Khoa Sơ sinh để cảm ơn sự chăm sóc tận tình trong thời gian con trai chị điều trị tại đây. Ảnh: Như Nguyện
Tuy nhiên, công tác chăm sóc, điều trị trẻ sơ sinh rất vất vả, nhất là trẻ sinh non. Đặc biệt, các điều dưỡng viên phải chăm sóc toàn phần, từ việc cho ăn đến vệ sinh cho trẻ. Chị Tăng Thị Phúc-Điều dưỡng viên trưởng-cho hay: “Khoa Sơ sinh chỉ có 6 bác sĩ và 13 điều dưỡng viên nhưng có thời điểm phải phụ trách hơn 40 bệnh nhi. Dẫu vậy, chúng tôi luôn cố gắng và nỗ lực hết mình trong công việc”-chị Phúc tâm sự.
Với trẻ sinh non, nhiều em phải điều trị lâu dài, ít thì 1 tháng, lâu thì vài ba tháng, có khi nửa năm. Theo bác sĩ Trần Thị Dự, quá trình chăm sóc trẻ sinh non cần rất nhiều sự hỗ trợ về phương tiện, máy móc, dụng cụ, trang bị kỹ thuật cùng với sự nhiệt tình, tỉ mỉ của nhân viên y tế. Năm 2020, Khoa đã điều trị thành công 1 ca sinh non khi mẹ mang thai khoảng 6 tháng, bé sinh ra cân nặng 700 gram, có nhiều bệnh lý kèm theo.
“Đến nay, chúng tôi vẫn còn giữ liên lạc với người nhà của bé. Thời gian qua, Khoa đã được đầu tư máy móc, được tập huấn, đào tạo về chuyên môn, chuyển giao nhiều kỹ thuật mới trong điều trị chăm sóc trẻ sơ sinh góp phần điều trị thành công và hạn chế rất nhiều bệnh nhi phải chuyển lên tuyến trên”-bác sĩ Dự cho biết.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

5 loại trái cây tốt cho thận

5 loại trái cây tốt cho thận

Trái cây luôn được khuyến khích cho chế độ ăn lành mạnh. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh thận mạn tính, không phải tất cả các loại trái cây đều tốt.