Mua ôtô nhưng chậm đăng kí để chờ giảm 50% phí trước bạ bị xử phạt thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rất nhiều khách hàng mới mua xe cố đợi cho đến khi Nghị định giảm phí trước bạ có hiệu lực mới mang xe đi đăng ký. Tuy nhiên, việc này sẽ khiến chủ sở hữu quá hạn đăng ký xe và phải chịu một mức phí phạt không hề nhỏ.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn sau dịch COVID-19, trong đó, có giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô trong nước đến hết năm 2020.
Trước thông tin trên, nhiều người băn khoăn, nếu mua mà chưa đi đăng ký thì có bị phạt hay không?; Mức phạt đối với việc chậm đăng ký như thế nào?.
Chậm đăng kí khi mua ôtô, chủ sở hữu có thể phải chịu mức phạt rất lớn.
Chậm đăng kí khi mua ôtô, chủ sở hữu có thể phải chịu mức phạt rất lớn.
Theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 10 Nghị định 140/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 4 Điều 1 Nghị định 20/2019/NĐ-CP về Lệ phí trước bạ, người nộp lệ phí trước bạ thực hiện nộp tiền lệ phí trước bạ vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày ký thông báo nộp lệ phí trước bạ của cơ quan thuế.
Nếu quá thời hạn kể trên mà người nộp thuế chưa nộp, thì mỗi ngày chậm nộp phải trả tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Trong khi đó, tại Điều 106 Luật Quản lý thuế 2006 và Luật về thuế sửa đổi 2016 quy định: Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm nộp.
Ví dụ, một mẫu xe mua tại Hà Nội có giá niêm yết là 700 triệu đồng, phí trước bạ 12% là 84 triệu đồng. Sau 30 ngày kể từ ngày ra thông báo thuế, nếu chủ xe nộp vào ngày 45 (quá hạn 15 ngày) thì mức phạt sẽ là (84 triệu đồng x 0,03%/100%) x 15 ngày = 378.000 đồng.
Đồng thời, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ đầu năm 2020 nêu rõ, người mua xe ôtô, xe máy phải đến cơ quan đăng ký xe trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm ký hợp đồng mua bán, cho tặng, thừa kế tài sản, được phân bổ, được điều chuyển,… để thực hiện sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình).
Quá thời hạn trên mà chủ sở hữu mới không thực hiện việc sang tên xe sẽ bị xử phạt theo quy định.
Cụ thể: Khoản 4, Điều 30 trong Nghị định 100 quy định mức phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe môtô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản.
Khoản 7, Điều 30 quy định mức phạt tiền từ 2 triệu đến 4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 triệu đến 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ôtô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản.
Ngoài ra, việc lái xe ra đường mà chưa có biển, người điều khiển phương tiện sẽ chịu phạt các lỗi: Xe không có đăng kiểm (200.000 - 400.000 đồng), bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc (100.000 - 200.000 đồng), có giấy đăng ký (200.000 - 400.000 đồng), biển số (2-3 triệu đồng).
PHƯƠNG DUY (LĐO)

https://laodong.vn/xe/mua-oto-nhung-cham-dang-ki-de-cho-giam-50-phi-truoc-ba-bi-xu-phat-the-nao-815292.ldo

Có thể bạn quan tâm

Giá thuê ô tô tự lái tăng gấp đôi vẫn 'cháy' hàng

Giá thuê ô tô tự lái tăng gấp đôi vẫn 'cháy' hàng

Để chủ động đi lại và không bị mưa gió, rét, đặc biệt là với gia đình có con nhỏ, nhiều người dân sống tại Hà Nội đã chọn hình thức thuê ô tô tự lái để đi lại dịp Tết Giáp Thìn. Tuy nhiên, hiện giá xe thuê đang được đẩy cao chót vót và kèm theo nhiều điều kiện.