Bão mặt trời ở hệ sao cách 100 năm ánh sáng cảnh báo nguy cơ cho trái đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Kết quả quan sát hệ sao gần Thái Dương hệ xác nhận bão mặt trời có thể đẩy ngược nhân loại về thời đại đen tối và các chuyên gia lo ngại trái đất có thể đối mặt cơn bão tương tự vào cuối thế kỷ 21.

 Mô phỏng một hành tinh gần sao trung tâm. Ảnh: AFP/Getty
Mô phỏng một hành tinh gần sao trung tâm. Ảnh: AFP/Getty

Đội ngũ các nhà nghiên cứu của Đại học Colorado-Boulder (Mỹ) cho hay các nhà thiên văn học lần đầu tiên phát hiện một cơn bão mặt trời ở hệ sao cách chúng ta khoảng 100 năm ánh sáng, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature Astronomy..

Bão mặt trời khủng khiếp nhất

Hệ sao xảy ra bão mặt trời ngoài Thái Dương hệ là EK Draconis, thuộc về Chòm sao Thiên Long ở bầu trời tít xa phía bắc của địa cầu. Đây là phiên bản trẻ hơn của mặt trời chúng ta. Ước tính EK Draconis mới khoảng 100 triệu năm tuổi, so với 4,6 tỉ năm tuổi của mặt trời.

Các ngôi sao như mặt trời thường xảy ra cái gọi là sự phun trào ở vành nhật hoa (CME), theo đó phóng thích các đám mây chứa những hạt điện tích siêu nóng gọi là bão mặt trời. Trong quá trình lao nhanh với tốc độ vũ bão xuyên không gian, những cơn bão này hoàn toàn có thể gây nên thảm họa trên đường đi.

Tuy nhiên, bão mặt trời xuất phát từ EK Draconis có uy lực vượt xa những gì từng quan sát được trước đó. Để theo dõi, các nhà nghiên cứu sử dụng những kính thiên văn trên bộ và trong không gian, tập trung về hướng ngôi sao này.

Kết quả cho thấy EK Draconis tạo ra một cơn bão mặt trời mạnh gấp 10 lần so với những đợt quan sát trước đó. Họ gọi hiện tượng ở EK Draconis là “siêu CME”.

Báo động cuối thế kỷ 21

Dựa trên những gì quan sát được, nhóm chuyên gia của đại học Mỹ cảnh báo nếu xảy ra ở trái đất, hiện tượng tương tự có thể “nướng chín” các vệ tinh trên quỹ đạo, đánh sập các mạng lưới điện trên mặt đất, gây cúp điện trên diện rộng và làm gián đoạn hoạt động viễn thông.

Trong trường hợp của hệ mặt trời, đây là tin tức chẳng tốt lành gì. Cứ mỗi 100 năm/lần hoặc thế, sao trung tâm của chúng ta lại “đẩy” bão mặt trời về hướng địa cầu.

“Các vụ phun trào ở vành nhật hoa có thể gây nên ảnh hưởng nghiêm trọng cho trái đất và xã hội loài người”, theo đồng tác giả, tiến sĩ Yuta Notsu.

Và giới chuyên gia lo ngại thảm họa tương tự có thể xảy ra ở Thái Dương hệ vào cuối thế kỷ 21. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hy vọng tần suất xảy ra “siêu CME” sẽ hiếm hơn ở những ngôi sao lớn tuổi như mặt trời của chúng ta.

Theo Hạo Nhiên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Nghiên cứu mới cho thấy những cây hóa thạch được phát hiện tình cờ ở phía tây nam nước Anh thuộc khu rừng được biết đến sớm nhất trên Trái đất. Hóa thạch 390 triệu năm tuổi đã soán ngôi khu rừng lâu đời nhất thế giới của khu rừng hóa thạch Gilboa ở bang New York, có niên đại 386 triệu năm.