NASA cảnh báo Trái đất đang giữ lượng nhiệt gấp 2 lần so với năm 2005

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo một nghiên cứu do NASA dẫn đầu, sự mất cân bằng năng lượng của Trái đất đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian 14 năm từ 2005 đến 2019.

Sự mất cân bằng năng lượng của Trái đất đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian 14 năm từ 2005 đến 2019. Ảnh: NASA
Sự mất cân bằng năng lượng của Trái đất đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian 14 năm từ 2005 đến 2019. Ảnh: NASA
Theo một nghiên cứu năm 2016, mất cân bằng năng lượng là thước đo cơ bản nhất xác định tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Daily Mail đưa tin, các nhà khoa học tại NASA và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) đã so sánh dữ liệu từ hai phép đo độc lập để xác định sự mất cân bằng năng lượng.
Thứ nhất, sử dụng bộ cảm biến vệ tinh của NASA và Hệ thống Năng lượng Bức xạ của Trái đất (CERES) để đo lượng năng lượng đi vào và rời khỏi Trái đất.
Thứ hai, sử dụng dữ liệu từ các phao nổi rải rác trên khắp các đại dương - được gọi là Argo - để đưa ra ước tính về tốc độ mà các đại dương trên thế giới đang nóng lên. Vì khoảng 90% năng lượng dư thừa từ sự mất cân bằng năng lượng sẽ kết thúc trong đại dương.

Nhiều năng lượng đang được hấp thụ từ Mặt trời hơn là được phản xạ trở lại không gian. Ảnh: NASA
Nhiều năng lượng đang được hấp thụ từ Mặt trời hơn là được phản xạ trở lại không gian. Ảnh: NASA
Các nhà nghiên cứu cho biết, sự mất cân bằng năng lượng của Trái đất là do sự ô nhiễm bầu khí quyển ngày càng tăng do khí nhà kính như carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và ozone (O3).
Những chất ô nhiễm này ngăn cản nhiệt bức xạ của Trái đất thoát ra ngoài không gian, làm tăng sự hấp thụ ánh sáng Mặt trời và giữ nhiệt trong bầu khí quyển. Nếu tốc độ hấp thụ nhiệt không giảm xuống, các thay đổi lớn hơn về khí hậu dự kiến ​​sẽ xảy ra.
Trung bình, Trái đất nhận khoảng 240 watt năng lượng từ Mặt trời trên mỗi mét vuông. Vào năm 2005, nó tỏa ra khoảng 239,5 watt - tạo ra sự mất cân bằng dương khoảng 0,5 watt. Nhưng đến năm 2019, sự mất cân bằng đó đã tăng gần gấp đôi lên khoảng 1 watt trên một mét vuông.
Sự mất cân bằng năng lượng có nghĩa là Trái đất hấp thụ nhiều năng lượng từ Mặt trời hơn là được phản xạ trở lại không gian, khiến hành tinh nóng lên.
Sự nóng lên thúc đẩy những thay đổi khác, chẳng hạn như tuyết và băng tan, làm cho mực nước dâng cao. Nó cũng khiến hơi nước gia tăng và thay đổi lượng mây. Sự mất cân bằng năng lượng của Trái đất là ảnh hưởng ròng của tất cả các yếu tố này.
Sự gia tăng hơi nước đang giữ lại nhiều bức xạ sóng dài, góp phần tiếp tục gây ra sự mất cân bằng năng lượng của Trái đất. Lượng mây và băng biển giảm dẫn đến việc hấp thụ nhiều năng lượng mặt trời hơn. Điều này là do bề mặt trắng phản chiếu của chúng rất lý tưởng để phản xạ lại ánh sáng Mặt trời.
Trên hết, các nhà nghiên cứu chỉ ra Dao động suy giảm Thái Bình Dương (PDO) - một sự kiện khí hậu ở các khu vực rộng lớn của Thái Bình Dương trong khoảng thời gian từ 20-30 năm - đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sự mất cân bằng năng lượng.
Tiến sĩ Norman Loeb - tác giả nghiên cứu - cho hay: "Tác động của con người cùng sự biến đổi bên trong Trái đất là nguyên nhân gây ra hiện tượng ấm lên, dẫn đến sự thay đổi khá lớn về sự mất cân bằng năng lượng của Trái đất".
NGUYỄN HẠNH (LĐO)

https://laodong.vn/the-gioi/nasa-canh-bao-trai-dat-dang-giu-luong-nhiet-gap-2-lan-so-voi-nam-2005-921821.ldo

Có thể bạn quan tâm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Nghiên cứu mới cho thấy những cây hóa thạch được phát hiện tình cờ ở phía tây nam nước Anh thuộc khu rừng được biết đến sớm nhất trên Trái đất. Hóa thạch 390 triệu năm tuổi đã soán ngôi khu rừng lâu đời nhất thế giới của khu rừng hóa thạch Gilboa ở bang New York, có niên đại 386 triệu năm.