Phát hiện dấu vết gene của 'bộ tộc ma' trong ADN người Tây Phi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các nhà khoa học phát hiện ra dấu vết ADN của một chủng người bí ẩn đã từng hôn phối với tổ tiên của người hiện đại (homo sapien) từ hàng chục nghìn năm trước trong ADN một số tộc người ở Tây Phi.

 

 Một hộp sọ của người Homo neanderthalensis. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên/Alamy.h)
Một hộp sọ của người Homo neanderthalensis. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên/Alamy.h)



Trong quá trình nghiên cứu bộ gene của một số tộc người hiện sinh sống tại khu vực Tây Phi, các nhà khoa học phát hiện ra dấu vết ADN của một chủng người bí ẩn đã từng hôn phối với tổ tiên của người hiện đại (homo sapien) từ hàng chục nghìn năm trước.

Đây được xem là bằng chứng mới nhất về tính phức tạp trong tiến trình tạo nên tổ tiên loài người hiện đại.

Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn nguồn từ tạp chí Science Advances số mới nhất cho biết các nhà khoa học đã tìm thấy trong bộ mã gene di truyền ADN của một số tộc người hiện đang sống ở Sierra Leone, Nigeria và Benin có chứa từ 2-19% gene của một chủng người cổ đại đã tuyệt chủng cách đây hàng chục ngàn năm trước.

Các nhà khoa học tạm thời đặt tên cho chủng người chưa từng được biết tới này là "bộ tộc ma".

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Sriram Sankararaman, giáo sư khoa học về gene tại Đại học California Los Angeles (UNCLA), "bộ tộc ma" có thể đã có hôn phối với tổ tiên người hiện đại từ khoảng 43.000 năm trước tại châu Phi, tương tự như trường hợp của Neanderthals và Denisovans – hai giống người cổ đại đã tuyệt chủng từng giao phối với tổ tiên của người homo sapien hiện đại.

Các nghiên cứu trước đây đều cho thấy tổ tiên của người hiện đại đã từng hôn phối với người Neanderthals và Denisovans, do đó trong gene di truyền của người hiện đại đều mang dấu tích của hai giống người này.

Tuy nhiên, trong khi các bằng chứng khảo cổ về sự tồn tại của Neanderthals và Denisovans là khá phong phú, hiện các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra các bằng chứng khảo cổ của giống người bí ẩn mới được phát hiện.

Giáo sư Sankararaman đặt giả thuyết rằng khoảng 650.000 năm trước, trước quá trình tiến hóa của loài người hiện đại, có thể "bộ tộc ma" đã phân tách thành một nhánh riêng giống như trường hợp của người Neanderthals và Denisovans.

Ông cho biết hiện các nhà khoa học đang bắt đầu nghiên cứu thêm về mối liên quan giữa ADN của các loài vượn người tới cấu trúc sinh học của người homo sapien hiện đại.

Sau khi có thêm dữ liệu rõ ràng hơn, giới khoa học có thể phác họa ra chân dung của giống người bí ẩn, hay còn gọi là "bộ tộc ma" này.

Theo Phi Hùng (TTXVN/Vietnam+)

 

Có thể bạn quan tâm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Nghiên cứu mới cho thấy những cây hóa thạch được phát hiện tình cờ ở phía tây nam nước Anh thuộc khu rừng được biết đến sớm nhất trên Trái đất. Hóa thạch 390 triệu năm tuổi đã soán ngôi khu rừng lâu đời nhất thế giới của khu rừng hóa thạch Gilboa ở bang New York, có niên đại 386 triệu năm.