Con người khiến thực vật biến mất nhanh hơn gấp 500 lần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gần 600 loài thực vật tuyệt chủng trong 250 năm qua cho thấy tốc độ tuyệt chủng đáng báo động của các loài thực vật.

Cây ôliu St. Helena, loài tuyệt chủng năm 2003. Ảnh: IUCN Red List.
Cây ôliu St. Helena, loài tuyệt chủng năm 2003. Ảnh: IUCN Red List.


Ít nhất 571 loài thực vật đã biến mất trên Trái Đất trong vòng 250 năm qua, nhiều gấp đôi so với các loài chim, động vật có vú và lưỡng cư tuyệt chủng cùng thời, các chuyên gia từ Đại học Stockholm và Vườn thực vật hoàng gia Krew của Anh hôm 10/6 cho biết. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học có cái nhìn tổng quan về sự tuyệt chủng ở thực vật trên toàn thế giới. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature Ecology & Evolution.

Con số đưa ra là số liệu thực tế được nhóm nghiên cứu tổng hợp từ tất cả ấn phẩm về sự tuyệt chủng ở thực vật trong hơn 30 năm qua. Kết quả cho thấy sự tác động của con người khiến tốc độ biến mất của thực vật đang diễn ra nhanh hơn gấp 500 lần so với tốc độ tự nhiên.

Theo Tiến sĩ Aleys Humphrey, đồng tác giả của nghiên cứu, con người cũng đang đánh giá thấp sự tuyệt chủng của thực vật hơn động vật. "Hầu hết mọi người có thể liệt kê ít nhất một loài động vật có vú hoặc chim đã biến mất trong những thế kỷ gần đây, nhưng ít ai có thể kể tên một loài thực vật đã tuyệt chủng", Humphrey nói.

Trong số các loài đã bị xóa sổ, thực vật trên các hòn đảo, ở vùng nhiệt đới và khí hậu Địa Trung Hải là có tỷ lệ tuyệt chủng cao nhất, vì đó là nơi sinh sống của nhiều loài độc nhất và dễ bị tổn thương bởi hoạt động của con người. Sự tuyệt chủng của thực vật có tác động nghiêm trọng tới các sinh vật sống dựa vào chúng, kể cả con người.

"Thực vật làm nền tảng cho tất cả sự sống trên Trái Đất. Chúng cung cấp oxy và thức ăn cho chúng ta, cũng như tạo nên xương sống cho hệ sinh thái toàn cầu, vì vậy sự tuyệt chủng của thực vật là tin xấu cho tất cả các loài", đồng tác giả nghiên cứu Eimear Nic Lughadha nói.

Đoàn Dương (Theo UPI/CNN, VNE)

Có thể bạn quan tâm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Nghiên cứu mới cho thấy những cây hóa thạch được phát hiện tình cờ ở phía tây nam nước Anh thuộc khu rừng được biết đến sớm nhất trên Trái đất. Hóa thạch 390 triệu năm tuổi đã soán ngôi khu rừng lâu đời nhất thế giới của khu rừng hóa thạch Gilboa ở bang New York, có niên đại 386 triệu năm.