Ứng dụng công nghệ trong quản lý, bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khoảng 3 năm trở lại đây, việc ứng dụng các phần mềm, thiết bị công nghệ trong quản lý, bảo vệ rừng được lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng. Nhờ đó, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng-chống cháy rừng đã được nâng lên.
Ứng dụng phần mềm cảnh báo cháy rừng sớm
Gia Lai có khoảng 646.992,31 ha rừng, trong đó, rừng tự nhiên khoảng 478.791,16 ha, rừng trồng khoảng 153.937,11 ha và rừng trồng chưa thành rừng khoảng14.264 ha. Những năm trước, mỗi khi bước vào mùa khô, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn là nỗi lo của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng. Bởi lẽ, việc huy động lực lượng túc trực và thường xuyên tuần tra, kiểm soát ngăn chặn lửa rừng rất gian khó.
Từ năm 2020 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh được trang bị phần mềm “Hotspot GLA”. Phần mềm này giúp kiểm tra, phát hiện sớm các điểm cháy rừng qua vệ tinh giám sát 24/24 giờ. Khi phát hiện có đám cháy, hình ảnh từ vệ tinh giám sát sẽ chuyển về máy chủ (đặt tại trụ sở Chi cục Kiểm lâm), thông báo trực tiếp đến điện thoại thông minh đã cài app hoặc email để lãnh đạo địa phương, ngành Kiểm lâm và đơn vị chủ rừng sớm huy động lực lượng dập tắt đám cháy.
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh theo dõi hình ảnh cảnh báo cháy rừng sớm truyền về từ vệ tinh. Ảnh: Nguyễn Hồng
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh theo dõi hình ảnh cảnh báo cháy rừng sớm truyền về từ vệ tinh. Ảnh: Nguyễn Hồng
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã sử dụng phần mềm cấp dự báo cháy rừng trong những tháng mùa khô. Thông qua số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên về lượng mưa, độ ẩm, nhiệt độ ở 3 vùng: TP. Pleiku, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa, phần mềm này tự động phân tích hàng ngày, cung cấp cho Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh thông báo 2-3 lần/tuần. Nhờ đó, chính quyền địa phương cấp huyện, xã, đơn vị chủ rừng và người dân biết cấp dự báo cháy rừng nơi mình đang sản xuất để có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế cháy rừng xảy ra. Song song với đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, chủ rừng triển khai cài đặt, sử dụng phần mềm “GiaLai FFW” hỗ trợ tra cứu thông tin tài nguyên rừng, thông báo, cảnh báo phát hiện sớm cháy rừng từ ảnh vệ tinh để chủ động xác minh, ngăn chặn tình trạng mất rừng, cháy rừng trên địa bàn quản lý.
Ông Trương Văn Nam-Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: Các phần mềm cảnh báo cháy rừng sớm đã giúp các cấp, ngành và đơn vị chủ rừng giảm nhân lực tuần tra vào những tháng cao điểm mùa khô, phát hiện sớm và kịp thời ứng phó, không để xảy ra cháy rừng trên diện rộng. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ cháy nào gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.
Kỳ vọng vào công nghệ tiên tiến
Cùng với các phần mềm do trung ương và tỉnh đầu tư, hiện nay, các cơ quan chuyên môn và chủ rừng bắt đầu sử dụng những thiết bị công nghệ mới như: flycam, camera giám sát vào nhiều mục đích khác nhau, trong đó có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Riêng Chi cục Kiểm lâm tỉnh năm 2018 đã đầu tư 4 máy flycam cấp cho Hạt Kiểm lâm các huyện: Kbang, Krông Pa, Chư Păh và Văn phòng Chi cục Kiểm lâm. Mới đây, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê cũng được cấp 1 máy flycam để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng khu vực núi Cheng Leng.
Ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa-thông tin: Từ khi có phần mềm cảnh báo sớm cháy rừng, việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng Kiểm lâm và chủ rừng trên địa bàn huyện thuận lợi hơn nhờ được chỉ dẫn cụ thể đến từng lô, khoảnh và tiểu khu đang có nguy cơ cao. “Chúng tôi khuyến khích các xã, thị trấn có rừng nên trang bị flycam để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương. Bên cạnh đó, Hạt cũng đã xây dựng kế hoạch lắp đặt khoảng 20 camera ở các khu vực trọng điểm trình các cấp, ngành của huyện xem xét phê duyệt nhằm bảo vệ rừng một cách tốt nhất”-ông Dụng cho biết.
Ông Nguyễn Đình Phương-Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh giám sát rừng trồng tại huyện Chư Prông thông qua Flycam. Ảnh: Nguyễn Hồng
Ông Nguyễn Đình Phương-Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh giám sát rừng trồng tại huyện Chư Prông thông qua flycam. Ảnh: Nguyễn Hồng
Từ năm 2016 đến nay, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cũng đã cài đặt phần mềm chuyên dụng (Smart) để giám sát việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng và phân tích trạng thái rừng. Ông Ngô Văn Thắng-Phó Giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-cho biết: “Từ khi lắp đặt phần mềm này, việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng thuận lợi hơn. Sự xuất hiện các loài động-thực vật mới được ghi nhận kịp thời để có biện pháp bảo vệ. Thời gian tới, nếu được các cơ quan chức năng cho phép sử dụng flycam thì đơn vị sẽ đầu tư thêm để giảm bớt tuần tra theo lối truyền thống, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Huân-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh-cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để phát hiện sớm nguy cơ mất rừng ở các địa phương. Đồng thời, mở các lớp tập huấn theo dõi, cập nhật diễn biến rừng để lực lượng chức năng tiếp cận thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả”.
NGUYỄN HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Mạnh tay xử lý SIM rác

Mạnh tay xử lý SIM rác

Cục Viễn thông ghi nhận từ ngày 1/3 đến hết 31/3/2024, trung bình 1 người sở hữu từ 4 - 9 SIM điện thoại, tương ứng 7,9 triệu SIM thuê bao có đứng tên giấy tờ.