Hàn Quốc thử nghiệm hệ thống AI giúp truy vết các ca mắc Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hệ thống mới mà Hàn Quốc thí điểm sẽ sử dụng thuật toán AI và công nghệ nhận diện khuôn mặt để phân tích các hình ảnh thu được từ hơn 10.820 camera theo dõi hoạt động của những người nhiễm SARS-CoV-2.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Hàn Quốc đang chuẩn bị tiến hành một dự án thí điểm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tính năng nhận diện khuôn mặt và hàng nghìn camera giám sát để theo dõi hoạt động của những người mắc COVID-19 tại thành phố Bucheon - một trong những thành phố đông dân nhất thuộc khu vực ngoại ô thủ đô Seoul.
Theo bản kế hoạch dài 110 trang mà thành phố Bucheon trình Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin truyền thông, hệ thống mới sử dụng thuật toán AI và công nghệ nhận diện khuôn mặt để phân tích các hình ảnh thu được từ hơn 10.820 camera theo dõi hoạt động của những người nhiễm virus SARS-CoV-2, các trường hợp tiếp xúc gần và xác định liệu những người này có đảm bảo các biện pháp phòng dịch hay không.
Chính phủ các nước trên thế giới đang gia tăng sử dụng các công nghệ mới và mở rộng quyền hạn pháp lý nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19.
Theo một báo cáo hồi tháng 3 của Đại học Luật Columbia ở New York (Mỹ), các nước Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Ba Lan, Nhật Bản, một số tiểu bang của Mỹ đã áp dụng hoặc thử nghiệm hệ thống nhận diện khuôn mặt để theo dõi các ca mắc COVID-19.
Hàn Quốc vốn có một hệ thống theo dõi tiếp xúc công nghệ cao, trong đó thu thập thông tin về thẻ tín dụng, vị trí của điện thoại di động và các hình ảnh CCTV, bên cạnh nhiều thông tin cá nhân khác.
Tuy nhiên, quốc gia này vẫn phải dựa vào đội ngũ các điều tra viên dịch tễ học để truy vết và liên lạc với các ca nghi mắc COVID-19. Đội ngũ này phải đối mặt với áp lực lớn khi thường xuyên phải làm việc liên tục suốt 24 giờ.
Một quan chức Bucheon cho biết hệ thống mới sẽ giúp giảm sức ép cho các điều tra viên, đồng thời hỗ trợ công việc truy vết thêm hiệu quả và chính xác.
Bộ Khoa học cho biết chưa có kế hoạch mở rộng dự án trên diện quốc gia. Theo bộ này, mục đích trước mắt của việc thử nghiệm hệ thống là chuyển đổi số một số hoạt động thủ công, giúp tiết kiệm thời gian và công sức.
Hệ thống này có thể giảm thời gian truy vết từ 30 phút-1 giờ xuống còn 5-10 phút.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực mà hệ thống mang lại, vẫn còn nhiều lo ngại đối với rủi ro về xâm phạm quyền riêng tư.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết việc sử dụng công nghệ trên là hợp pháp, miễn là được giới hạn trong phạm vi của luật phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.
Bucheon đã nhận 1,6 tỷ won (khoảng 1,36 triệu USD) từ Bộ Khoa học và đã đầu tư 500 triệu won vào dự án xây dựng hệ thống này. Bucheon dự kiến mở cửa trở lại vào tháng 1/2022.
Hoàng Châu (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Phối hợp quản lý và sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai”

Phối hợp quản lý và sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai”

(GLO)- Để việc quản lý các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai” đạt hiệu quả, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp quản lý và phát triển các nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.