Bịt lỗ hổng hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều vụ hàng giả, không xuất xứ được phát hiện trên sàn Thương mại điện tử. Ảnh: M.Bằng
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP với mục đích ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, nguồn gốc trôi nổi trên sàn thương mại điện tử hiện nay.
Vi phạm tràn lan
Bộ TTTT đánh giá: Hiện nay, các sàn giao dịch Thương mại điện tử là nơi tập trung phần lớn giao dịch thương mại điện tử B2C (từ doanh nghiệp tới khách hàng) và C2C (người tiêu dùng liên kết trực tuyến với nhau), đồng thời cũng là nơi mà vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm  sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được phản ánh rõ nét nhất.
Thực tiễn cho thấy, mọi hoạt động từ xét duyệt thông tin người bán, đăng tải thông tin hàng hóa, giao dịch, thanh toán đều thông qua đơn vị vận hành sàn giao dịch Thương mại điện tử. Trong khi đó, nhiều sàn do có doanh thu từ việc thu phí giao dịch, đã thả lỏng việc xét duyệt hồ sơ của đối tượng tham gia sàn, dẫn đến hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái tràn lan trên mạng mà không có biện pháp kiểm soát; nhiều mặt hàng còn đăng tải bằng ngôn ngữ bản địa như tiếng Trung, tiếng Hàn... khiến người tiêu dùng lúng túng khi tiếp cận thông tin.
Điển hình là cuối tháng 2, đầu tháng 3.2020, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết đã rà soát tổng số 463.865 gian hàng và 1.755.559 sản phẩm; đã xử lý khoảng 5.200 gian hàng với trên 21.000 sản phẩm vi phạm.
Cụ thể, sàn thương mại điện tử có số sản phẩm vi phạm nhiều nhất là Sendo.vn với hơn 400 gian hàng và gần 4.000 sản phẩm khẩu trang vi phạm. 
Sàn có nhiều sản phẩm vi phạm thứ hai là Shopee.vn với gần 3.000 gian hàng và hơn 3.500 khẩu trang y tế vi phạm. 
Ở một số sàn thương mại điện tử khác, số gian hàng phân phối khẩu trang và khẩu trang y tế bị xử lý vi phạm là gần 1.000, với khoảng 10.000 sản phẩm vi phạm. Gần 700 gian hàng với gần 1.000 sản phẩm dung dịch, gel rửa tay khô cũng bị xử lý sau công tác rà soát.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định 52, người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ để khách hàng có thể xác định các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng; tuy nhiên Nghị định chưa làm rõ các đặc tính nói trên bao gồm những thông tin gì.
Hiện nay, các sàn giao dịch thương mại điện tử đều có quy chế đăng tải thông tin khác nhau và đều nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho người bán nên phần lớn không yêu cầu đăng rõ thông tin về nguồn gốc xuất xứ hay quy cách chất lượng, thông tin người bán cũng không rõ ràng, dẫn đến nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Đó cũng là lý do lợi dụng dịch bệnh COVID-19 một số người lợi dụng tình hình khan hiếm để thu gom các khẩu trang y tế loại sử dụng một lần để tái chế, bán ra thị trường thông qua các kênh giao dịch thương mại điện tử, đặc biệt là các mạng xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh.
Chặn hàng giả, hàng nhái trên sàn Thương mại điện tử
Bộ TTTT đưa ra nhận định: để hạn chế tình trạng nói trên, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần sửa đổi Nghị định 52, theo đó có những quy định cụ thể về thông tin hàng hóa, dịch vụ cần được đăng tải trên website thương mại điện tử nói chung và sàn giao dịch thương mại điện tử nói riêng, tăng cường nghĩa vụ của chủ sở hữu các sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc kiểm soát, sàng lọc thông tin, đồng thời ràng buộc trách nhiệm của chủ thể này với những giao dịch được tiến hành trên sàn từ người bán nước ngoài.
Cụ thể, điều 30, Nghị định 52 sẽ được điều chỉnh theo hướng: Thông tin về hàng hóa, dịch vụ được trưng bày, giới thiệu trên website, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng phải có các nội dung sau: Tên hàng hóa, dịch vụ; Mô tả đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng; Xuất xứ đối với hàng hóa hoặc đơn vị cung ứng dịch vụ; Các thông tin khác theo quy định pháp luật chuyên ngành liên quan đến ghi nhãn hàng hóa hoặc cung cấp nội dung về hàng hóa, dịch vụ đó. 
Như vậy so với Nghị định 52, lần sửa đổi này đã quy định chi tiết hơn, đặc biệt là yêu cầu về xuất xứ hàng hoá phải được thông tin đầy đủ.
MINH BẰNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Phối hợp quản lý và sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai”

Phối hợp quản lý và sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai”

(GLO)- Để việc quản lý các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai” đạt hiệu quả, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp quản lý và phát triển các nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.