Gia Lai: Tạo đột phá trong ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, tỉnh ta đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tỉnh xác định việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT là động lực quan trọng để thực hiện thắng lợi 3 khâu đột phá chiến lược: cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược
Từ năm 2016, hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh, kết nối, liên thông văn bản 4 cấp: trung ương, tỉnh, huyện, xã. Đến nay, hệ thống này đã thực hiện gửi, nhận hơn 1,6 triệu văn bản điện tử. Hệ thống một cửa điện tử liên thông cũng được triển khai tới 100% đơn vị cấp xã, đồng thời kết nối với Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ: http://dichvucong.gialai.gov.vn để thực hiện việc gửi, nhận hồ sơ trực tuyến cho công dân, doanh nghiệp.
  Bên cạnh việc làm thủ tục hành chính trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công thì người dân có thể thực hiện qua mạng. Ảnh: H.D
Bên cạnh việc làm thủ tục hành chính trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công thì người dân có thể thực hiện qua mạng. Ảnh: H.D
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.492 thủ tục hành chính. Trong đó, 329 thủ tục hành chính thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 127 thủ tục hành chính thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được tích hợp tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Tỷ lệ hồ sơ được xử lý qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 77,3%, mức độ 4 đạt 55,72%. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2009, hiện đã có hơn 50 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đăng ký sử dụng. Hệ thống phục vụ hội nghị truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến cấp huyện cũng được đầu tư triển khai năm 2011 và dự kiến trong năm 2019 sẽ nâng cấp đến cấp xã. Bên cạnh đó, 17/17 huyện, thị xã, thành phố và hơn 20 đơn vị cấp sở, ban, ngành hiện đã có trang thông tin điện tử.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tỉnh đã xây dựng Sàn giao dịch thương mại điện tử Gia Lai, địa chỉ: http://thuongmaigialai.vn; hệ thống thu nhập và quản lý trực tuyến thông tin xuất nhập khẩu Gia Lai, địa chỉ: http://xnkgialai.gov.vn; phần mềm cơ sở dữ liệu công nghiệp và thương mại tỉnh Gia Lai, địa chỉ: http://csdlcntmgialai.gov.vn; phần mềm bản đồ trực tuyến phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh Gia Lai, địa chỉ: http://bandohangvietgialai.vn... Chia sẻ về điều này, anh Trần Hạnh-hội viên Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai-cho hay: “Nhờ sự phát triển của CNTT mà hầu hết các văn bản mới của tỉnh, các chương trình liên quan tới khởi nghiệp, các hoạt động như tập huấn, đào tạo nhân lực do tỉnh tổ chức... đều được chuyển tải đầy đủ, kịp thời tới doanh nghiệp và những người quan tâm. Qua đó, chúng tôi nắm bắt được những chính sách mới liên quan tới ngành nghề hoạt động của mình, từ đó có hướng phát triển đúng đắn hơn”.
Quan tâm đầu tư hạ tầng và nhân lực
Trong buổi làm việc với tỉnh hồi đầu tháng 6 năm nay, ông Phạm Ngọc Linh-Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) đánh giá, Gia Lai đã làm rất tốt việc ứng dụng, phát triển CNTT. Điều này góp phần tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương; nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; góp phần phòng-chống tham nhũng, lãng phí và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, ông Linh cũng lưu ý tỉnh cần chú ý hơn tới việc đầu tư hạ tầng CNTT và con người để đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn cũng cho rằng tỉnh đang có những khó khăn nhất định. Nhân lực để quản lý, quản trị các hệ thống ứng dụng còn thiếu (222 xã, phường, thị trấn chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT). Bên cạnh đó, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tuy đã được triển khai song kỹ năng, thói quen sử dụng CNTT của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế (trong tổng số 1.492 thủ tục hành chính thì có tới 1.036 dịch vụ được cung cấp ở mức độ 2). Chỉ số phát triển thương mại điện tử của tỉnh còn thấp so với cả nước. Hiện tỉnh mới hỗ trợ 241 doanh nghiệp tham gia Sàn giao dịch thương mại điện tử.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã theo hướng chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin là điều cần làm. Đồng thời phải đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp và công nghiệp chế biến ở Gia Lai”

Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp và công nghiệp chế biến ở Gia Lai”

(GLO)- Ngày 25-4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội thảo giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp và công nghiệp chế biến.
Nghiệm thu đề tài xây dựng quy trình trồng sâm non bằng phương pháp khí canh

Nghiệm thu đề tài xây dựng quy trình trồng sâm non bằng phương pháp khí canh

(GLO)- Chiều 22-4, Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tỉnh Gia Lai nghiệm thu đề tài “Xây dựng quy trình trồng sâm non (sâm Hàn Quốc và Hồng đẳng sâm) bằng phương pháp khí canh tại Gia Lai”. Đề tài do Trường Đại học Tôn Đức Thắng chủ trì, Tiến sĩ Ngô Việt Đức làm chủ nhiệm.