12 phút nghẹt thở khi con người đáp xuống Mặt Trăng 50 năm trước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước sự theo dõi của lượng khán giả kỷ lục toàn thế giới, phi hành gia Neil Armstrong đặt chân xuống các bậc của tàu Eagle và đi “bước đi vĩ đại của nhân loại” trên Mặt Trăng.



Trong thời đại mà công nghệ đã quá phổ biến, phục vụ bạn trên từng nút nhấn trên điện thoại, thì chuyến hạ cánh xuống Mặt Trăng của tàu Apollo 11 và “bước tiến vĩ đại của nhân loại” mang tên Neil Armstrong dường như đã quá xa. Thành tựu ngày 20/7/1969 chỉ là những câu chuyện trong lớp lịch sử đối với những ai sinh ra sau đó.

Nhưng đối với nhiều người Mỹ sinh ra thời kỳ đó, giây phút hạ cánh xuống Mặt Trăng là thời khắc huy hoàng nhất trong lịch sử nhân loại, một sự thở phào nhẹ nhõm sau những phút cân não giữa sự sống và cái chết được phát trực tiếp trên tivi, dù sự kiện diễn ra ở cách Trái Đất 386.000 km.


 

Phi hành đoàn hạ cánh thành công lên Mặt Trăng: Neil Armstrong (trái), Michael Collins (giữa) và Buzz Aldrin. Armstrong và Aldrin là hai phi hành gia sau đó đặt chân lên Mặt Trăng. Collins ở lại modul bay trên quỹ đạo của Apollo 11. Ảnh: NASA.
Phi hành đoàn hạ cánh thành công lên Mặt Trăng: Neil Armstrong (trái), Michael Collins (giữa) và Buzz Aldrin. Armstrong và Aldrin là hai phi hành gia sau đó đặt chân lên Mặt Trăng. Collins ở lại modul bay trên quỹ đạo của Apollo 11. Ảnh: NASA.




Một dấu chân lưu lại hàng nghìn năm

Lượng xăng còn lại chỉ tính bằng giây, hệ thống máy tính phát ra nhiều báo động, và phi hành gia Neil Armstrong buộc phải điều khiển để buồng lái không tự động hạ cánh xuống những tảng đá lởm chởm. Nhưng cuối cùng, con tàu bốn chân đã hạ cánh an toàn xuống Mặt Trăng.

“Con người đã lên Mặt Trăng”, MC huyền thoại của CBS News Walter Cronkite thốt lên. Rồi ông chờ đợi lời xác nhận của Armstrong, cũng như phòng điều khiển ở Houston và hàng triệu người theo dõi trên thế giới.

“Houston, đây là Tranquility Base. Eagle đã hạ cánh”, Armstrong trả lời trong thông điệp đã trở thành một kỷ niệm khó quên của thời đại. “Tranquility Base” (tạm dịch: căn cứ bình yên) là tên được đặt cho nơi hạ cánh, còn Eagle là tên con tàu.

“Nghe rõ, Twan... Tranquility, chúng tôi đã nghe rõ”, phi hành gia Charlie Duke từ phòng điều khiển nằm ở Trung tâm Vũ trụ Johnson ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ, không nói nên lời. “Có mấy người chuẩn bị ngất ở đây. Giờ chúng tôi mới thở được. Cảm ơn rất nhiều!”


 

 Một trong những dấu chân đầu tiên của con người trên Mặt Trăng. Trong điều kiện không có không khí, dấu chân từ 50 năm trước sẽ tồn tại trong nhiều thiên nhiên kỷ nữa. Ảnh: NASA.
Một trong những dấu chân đầu tiên của con người trên Mặt Trăng. Trong điều kiện không có không khí, dấu chân từ 50 năm trước sẽ tồn tại trong nhiều thiên nhiên kỷ nữa. Ảnh: NASA.



Sáu tiếng sau, lượng khán giả tivi kỷ lục dõi theo hình ảnh trắng đen nhưng rõ ràng, khi Armstrong vững vàng bước xuống các bậc thang của tàu Eagle. Đúng 22h56, ngày 20/7/1969, Armstrong đặt chân xuống bề mặt phù đầy bột mịn của Mặt Trăng.

“Đây là bước nhỏ của một người, nhưng là bước tiến vĩ đại của nhân loại”.

Lời của Armstrong trong giây lát đã đoàn kết mọi người, mọi nơi trên Trái Đất, với chung niềm tự hào vì đã đạt được giấc mơ có lẽ đã có từ lần đầu tiên con người nhìn lên bầu trời đầy sao, CBS News bình luận.

“Trong giây phút vô giá của lịch sử, mọi người trên Trái Đất chúng ta là một”, Tổng thống Mỹ Richard Nixon nói với các phi hành gia qua radio từ Nhà Trắng.


 

Hình ảnh trắng đen mà khán giả TV nhìn thấy. Armstrong ở giữa, trước tàu Eagle, còn Aldrin ở rìa phải của ảnh. Ảnh: NASA.
Hình ảnh trắng đen mà khán giả TV nhìn thấy. Armstrong ở giữa, trước tàu Eagle, còn Aldrin ở rìa phải của ảnh. Ảnh: NASA.



Giây phút hạ cánh căng thẳng đối với phòng điều khiển ở Trái Đất đến mức phải đến ngày hôm sau, chuyên viên điều khiển bay Ed Fendell mới hiểu rõ thành công này.

Ăn sáng gần cơ quan, ông nghe được hai công nhân ngồi bên cạnh nói với nhau: “Ông biết không, tôi đổ bộ lên châu Âu vào ngày D-Day trong Thế chiến II... nhưng chưa bao giờ tự hào mình là người Mỹ hơn ngày hôm qua”.

Quá xúc động, Fendell vội vàng trả tiền, vào trong xe, và bắt đầu khóc, ông kể lại trong một lần phỏng vấn.

 

Phi hành gia Buzz Aldrin, người lái Eagle hạ cánh xuống Mặt Trăng cùng Armstrong, đang bước xuống thang để cùng Armstrong bước đi trên Mặt Trăng. Armstrong chụp vài chục ảnh của Aldrin trên Mặt Trăng, nhưng Armstrong hầu như không được ai chụp ảnh. Ảnh: NASA.
Phi hành gia Buzz Aldrin, người lái Eagle hạ cánh xuống Mặt Trăng cùng Armstrong, đang bước xuống thang để cùng Armstrong bước đi trên Mặt Trăng. Armstrong chụp vài chục ảnh của Aldrin trên Mặt Trăng, nhưng Armstrong hầu như không được ai chụp ảnh. Ảnh: NASA.





Bị Liên Xô bỏ xa, TT Kennedy đặt mục tiêu “trên trời”


Lần đầu tiên trong nhiều thiên niên kỷ tồn tại, loài người phối hợp với nhau từ hành tinh này sang hành tinh khác. Điều tưởng chừng không tưởng đó khởi đầu bằng tầm nhìn táo bạo của Tổng thống John F. Kennedy, công bố trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ ngày 25/5/1961. Khi ấy, Liên Xô đã “ghi bàn” trước nhờ phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên mang tên Sputnik vào năm 1957, và đưa được con người đầu tiên vào quỹ đạo quanh Trái Đất tháng 4/1961 (con người đó là Yuri Gagarin), gây sốc dư luận và chính giới Mỹ.

“Tôi tin rằng đất nước chúng phải đặt mục tiêu, trước khi kết thúc thập kỷ, phải đưa được người lên Mặt Trăng và đưa về Trái Đất an toàn”, ông Kennedy phát biểu. Đó là mục tiêu đầy tham vọng, nhưng rất dễ hiểu để ngay lập tức thúc đẩy nước Mỹ dồn mọi nguồn lực, tìm cách đạt được.

Đó là một mục tiêu “trên trời” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, đầy bất ngờ với ngành hàng không non trẻ của Mỹ. “Chúng tôi đang chế tạo tàu Mercury 907 kg lúc đó... Bây giờ thì riêng bước đầu tiên là phải đưa 90,7 tấn lên quỹ đạo Trái Đất trước đã”, Glynn Lunney, người chỉ đạo chuyến cất cánh đưa Apollo 11 lên trở lại quỹ đạo Mặt Trăng trước khi về Trái Đất, kể lại với CBS News.


 

Trái Đất “mọc” nhìn từ quỹ đạo Mặt Trăng, một trong những hình ảnh kinh điển của chương trình Apollo, được chụp bởi phi hành đoàn Apollo 8. Ảnh: NASA.
Trái Đất “mọc” nhìn từ quỹ đạo Mặt Trăng, một trong những hình ảnh kinh điển của chương trình Apollo, được chụp bởi phi hành đoàn Apollo 8. Ảnh: NASA.




“Thật đáng kinh ngạc”, ông nói thêm. “Thật tuyệt vời khi nhìn cách nước Mỹ tìm mọi nguồn lực và nhân tài, rồi tạo nên hẳn một thế giới mới của việc khám phá vũ trụ”.

Đến được Mặt Ttăng là một chặng đường khó khăn, tốn kém và đi qua cả những bi kịch. Ba nhà du hành - Virgil Grissom, Roger Chaffee và Ed White - thiệt mạng ngày 27/1/1967 trong một lần phóng thử. Năm nhà du hành khác - Theodore Freeman, Charles Bassett, Elliot See, Edward Givens và Clifton Williams - chết vì tai nạn xe hơi hoặc máy bay trước khi được chứng kiến thành quả.

Sau cùng, Mỹ đã chi tổng cộng 25 tỷ USD, tương đương 288 tỷ USD thời nay nếu tính cả lạm phát, vào nghiên cứu công nghệ, đưa tổng cộng 12 nhà du hành lên bề mặt Mặt Trăng, mang về 381 kg đất đá, món quà vô giá đối với các nhà địa chất học được cất giữ cẩn thận tại Trung tâm Vũ trụ Johnson.

Chuyến đi vào sử sách

Hơn một triệu người tới dọc đường cao tốc, bờ sông và bãi biển xung quanh địa điểm phóng ngày 16/7/1969 để “tiễn” phi hành đoàn lên Mặt Trăng. Tên lửa Saturn 5 cao 36 tầng sẵn sàng đưa tàu Apollo 11 lên không gian.

Đúng 9h32, 5 động cơ F1 của Saturn 5 gầm lên, đưa tên lửa này lên bầu trời trong một cảnh tượng hùng vĩ, ngốn tới 15 tấn xăng mỗi giây. Saturn 5 vẫn là tên lửa mạnh nhất từng được phóng lên.


 

Chuyến du hành của Apollo 11 “cất cánh” ngày 16/7/1969 với tiếng gầm rung chuyển mặt đất của tên lửa Saturn 5, khiến hàng triệu người chứng kiến dọc đường cao tốc và bãi biển quanh đó phấn khích. Ảnh: NASA.
Chuyến du hành của Apollo 11 “cất cánh” ngày 16/7/1969 với tiếng gầm rung chuyển mặt đất của tên lửa Saturn 5, khiến hàng triệu người chứng kiến dọc đường cao tốc và bãi biển quanh đó phấn khích. Ảnh: NASA.



12 phút sau, tàu Apollo vào quỹ đạo quanh Trái Đất. Sau khi xác định con tàu vẫn an toàn, phi hành đoàn khởi động tên lửa đẩy họ ra khỏi quỹ đạo Trái Đất, về phía Mặt Trăng với tốc độ 11,2 km/s.

Ba ngày sau, Apollo bay ra đằng sau Mặt Trăng và mất liên lạc với phóng điều khiển ở Houston. Phi hành đoàn kích hoạt động cơ chính lúc 13h21 ngày 19/7, chạy trong 5 phút 57 giây để tàu bay chậm lại, vào quỹ đạo Mặt Trăng.

Armstrong ngay lập tức nhìn ra và so sánh bề mặt nhiều vết lõm của Mặt Trăng với các tấm ảnh mà các tàu vũ trụ trước đó đã chụp được. “(Mặt Trăng) cũng giống như trong các ảnh chụp, nhưng nhìn ở đây như nhìn một trận bóng thật thay vì xem trên tivi”, Armstrong gọi về cho phòng điều khiển.

 

Thành phố New York chào đón các phi hành gia trở về như những người hùng bằng một cuộc diễu hành. Ảnh: NASA.
Thành phố New York chào đón các phi hành gia trở về như những người hùng bằng một cuộc diễu hành. Ảnh: NASA.



Ngày hôm sau, khi đã bay được 12 vòng quanh Mặt Trăng và đang ở phía sau Mặt Trăng, Armstrong và đồng nghiệp Buzz Aldrin bước vào modul Mặt Trăng (mang tên Eagle) của Apollo, và tách nó khỏi modul điều khiển (Columbia) giờ chỉ có phi hành gia còn lại, Michael Collins. “Được rồi, Eagle... các anh hãy bảo trọng”, ông Collins nói.

“Hẹn gặp anh sau”, Armstrong đáp lại, bắt đầu cho những phút kịch tính nhất trong lịch sử khám phá vũ trụ. Áp lực ở phòng điều khiển gần như không thể chịu nổi.

16h05, động cơ của Eagle nổ máy, đẩy con tàu về phía Mặt Trăng. Điểm đến cuối cùng của nhiều năm nỗ lực chỉ còn cách 12 phút. Nhưng phòng điều khiển thấy Eagle đang hạ độ cao với tốc độ 7,62 m/s. Nếu tốc độ hạ xuống vượt quá 10,6 m/s, chuyến hạ cánh sẽ bị hủy, và hai phi hành gia phải ngay lập tức bay lên quỹ đạo. Nhưng tốc độ hạ không tăng lên nữa.


 

 Armstrong đứng cạnh tàu Eagle trên bề mặt Mặt Trăng sau khi đã hạ cánh. Ảnh: NASA.
Armstrong đứng cạnh tàu Eagle trên bề mặt Mặt Trăng sau khi đã hạ cánh. Ảnh: NASA.




12 phút giữa sự sống và cái chết

Chưa hết, khi quá trình hạ cánh 12 phút đã đi được 5 phút 17 giây, báo động vang lên trong buồng lái và hai phi hành gia thấy mã báo động 1202 trên màn hình. “Báo động”, Armstrong nói vào hệ thống liên lạc. “1202”. Vài giây không thấy trả lời, Armstrong nhắc lại với Houston “hãy báo thêm cho tôi về lỗi 1202 này”.

Hóa ra, 11 ngày trước đó, không rõ vì may mắn hay do tính toán cẩn thận, khi hạ cánh giả lập lần cuối, các kỹ sư đã tạo ra lỗi 1202 để tập dượt.

Báo động này chỉ có nghĩa là máy tính đang quá tải, không thể xử lý hết các yêu cầu tính toán, mà phải ưu tiên các tác vụ quan trọng nhất. Nhờ vậy, ngay cả khi nhiều báo động hiện lên sau đó, Armstrong và phòng điều khiển ở Trái Đất tự tin rằng có thể bỏ qua.


 

Steve Bales, kỹ sư 26 tuổi đang trực chiến ngày hôm đó, bỗng thấy nhiều báo động. Nhưng sau khi bàn với các kỹ sư khác, họ thống nhất có thể bỏ qua báo động vì đã hiểu rõ chúng nhờ lần diễn tập. Ảnh: NASA.
Steve Bales, kỹ sư 26 tuổi đang trực chiến ngày hôm đó, bỗng thấy nhiều báo động. Nhưng sau khi bàn với các kỹ sư khác, họ thống nhất có thể bỏ qua báo động vì đã hiểu rõ chúng nhờ lần diễn tập. Ảnh: NASA.



Gần tới bề mặt, Armstrong nhận thấy hệ thống lái tự động đang cho Eagle hạ cánh xuống một vết lõm lớn, có nhiều tảng đá lởm chởm. Ông quyết định cầm lái, tự mình điều khiển Eagle như một chiếc trực thăng, di chuyển để tìm điểm nào bằng phẳng hơn.

Việc phải tự lái tàu vũ trụ mất thời gian lâu hơn dự kiến đồng nghĩa với việc Eagle phải dùng nhiều nhiên liệu hơn. Hai phi hành gia phải chạy đua với thời gian.

“60 giây”, phòng điều khiển nói qua radio với Armstrong, ước tính thời gian còn lại của nhiên liệu. Bên cạnh Armstrong, Aldrin phụ trách liên lạc với Houston, đồng thời cập nhật cho Armstrong về độ cao của Eagle, vận tốc, và tốc độ hạ cánh.

“Tốc độ hạ 76 cm/s. Tiến lên, lên. Tốt. 12 m, tốc độ hạ 76 cm/s. Thấy nhiều bụi. Độ cao còn 9 m, tốc độ hạ 76 cm/s. Đã thấy bóng nhạt. Lên, lên, dịch sang phải. OK”, Aldrin cập nhật các thông số.

Giữa lúc phòng điều khiển đinh ninh rằng chuẩn bị có báo động nhiên liệu “còn 15 giây”, Armstrong kịp thời hạ cánh và tắt động cơ. “Houston, Tranquility Base đây”, câu nói nổi tiếng của Armstrong khởi đầu cho 21 giờ 36 phút trên Mặt Trăng (bao gồm 2 giờ 31 phút đi lại trên bề mặt) của những con người đầu tiên.


 

Trong ảnh là Buzz Aldrin. Có thể nhìn thấy Neil Armstrong được phản chiếu qua gương mà Aldrin đeo trên đầu. Trong chuyến hạ cánh xuống Mặt Trăng, Armstrong chụp nhiều ảnh, nhưng chỉ xuất hiện trong số ít ảnh. Ảnh: NASA.
Trong ảnh là Buzz Aldrin. Có thể nhìn thấy Neil Armstrong được phản chiếu qua gương mà Aldrin đeo trên đầu. Trong chuyến hạ cánh xuống Mặt Trăng, Armstrong chụp nhiều ảnh, nhưng chỉ xuất hiện trong số ít ảnh. Ảnh: NASA.



Sau đó động cơ của Eagle đốt cháy và đẩy tàu vũ trụ lên quỹ đạo và gắn trở lại với modul điều khiển (Columbia). Bốn ngày sau, họ về Trái Đất, rơi xuống biển Đại Tây Dương, ngày 24/7.

50 năm sau chuyến du hành của Apollo 11, NASA đang chuẩn bị đưa các phi hành gia trở lại bề mặt Mặt Trăng năm 2024, chương trình có tên Artemis, vốn là tên chị của nữ thần Apollo trong thần thoại Hy Lạp. Tên lửa mạnh hơn và buồng lái hiện đại được miêu tả sẽ “giống Apollo, nhưng khủng hơn nhiều”.

Nhưng các chuyên gia cho biết lặp lại kỳ tích này là điều không hề dễ dàng. Và chưa rõ Quốc hội Mỹ có tăng ngân sách để biến cột mốc 2024 mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chọn thành hiện thực hay không.



 

 Môđun điều khiển của Apollo 11 có tên Columbia được tàu USS Hornet ở Thái Bình Dương vớt lên ngày 24/7/1969. Ảnh: NASA.
Môđun điều khiển của Apollo 11 có tên Columbia được tàu USS Hornet ở Thái Bình Dương vớt lên ngày 24/7/1969. Ảnh: NASA.



Trọng Thuấn (zing)

Có thể bạn quan tâm

Phối hợp quản lý và sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai”

Phối hợp quản lý và sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai”

(GLO)- Để việc quản lý các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai” đạt hiệu quả, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp quản lý và phát triển các nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.