Người dân Hà Nội 'kêu trời' với ứng dụng do Nhật Cường cung cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhật Cường Software đảm nhận 126 dịch vụ công và cung cấp phần mềm cho 2.700 trường học tại Hà Nội.
Công ty TNHH TM & DVKT Nhật Cường được thành lập năm 2001. Năm 2017, doanh nghiệp nằm trong danh sách 50 công ty về công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam.
Ngoài mảng buôn bán điện thoại di động, máy tính bảng và phụ kiện di động, Nhật Cường còn hoạt động trong lĩnh vực phần mềm và "bao thầu" hầu hết dịch vụ phần mềm trực tuyến tại các cơ quan hành chính thuộc TP Hà Nội.
Bắt đầu làm dịch vụ công sau một năm thành lập
Năm 2011, công ty Nhật Cường thành lập trung tâm CNTT và ERP (phần mềm quản lý doanh nghiệp) phục vụ nhu cầu của công ty. Chỉ một năm sau đó, công ty này đã trúng thầu dự án cơ sở dữ liệu cho 7,9 triệu dân của Công an thành phố Hà Nội.
Ứng dụng Dịch vụ công Hà Nội liên tục báo mất kết nối.
Ứng dụng Dịch vụ công Hà Nội liên tục báo mất kết nối.
Theo hồ sơ năng lực của NCS, hiện công ty đã tham gia xây dựng 126 dịch vụ công, phục vụ hơn 7 triệu người dân Hà Nội. Trong đó có các hạng mục như như xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến, phần mềm hộ chiếu online, đặc biệt là giải pháp dịch vụ công trực tuyến liên thông 3 cấp, phần mềm quản lý tội phạm, hệ thống quản lý quỹ nhà tái định cư các cấp quận/huyện...
Nhóm khách hàng khối cơ quan, Nhà nước của công ty bao gồm từ UBND thành phố Hà Nội, công an thành phố cho tới các Sở Thông tin Truyền thông, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công Thương, Sở Tư pháp, Sở Du lịch, Sở Văn hóa thể thao, Sở LĐTB & XH...
Phiếu điểm điện tử liên tục gặp lỗi
Bên cạnh nhóm khách hàng chính quyền, NCS còn tham gia xây dựng ứng dụng phiếu điểm điện tử cho hơn 2.700 trường học tại Hà Nội. Ứng dụng Pino do NCS phát triển phục vụ 3,4 triệu phụ huynh trên toàn Hà Nội. Tuy vậy, người dùng đánh giá Pino vẫn còn nhiều điểm bất cập cần được sửa.
Theo báo Giáo dục Việt Nam, tháng 1/2017, nhiều giáo viên tại một số trường Trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội than phiền về hệ thống quản lý điểm của học sinh khó làm quen, mất nhiều thao tác và tốn kém tiền để tập huấn sử dụng.
Phần mềm này được Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội cùng Sở Thông tin và Truyền thông "đặt hàng" Nhật Cường Software phát triển.
“Khi chúng tôi sử dụng phần mềm tính điểm của Công ty Nhật Cường có những cái phức tạp. Vì trước đó chúng tôi đã quen sử dụng phần mềm Q.I rồi, sau đó ‘đùng’ một cái ngành giáo dục bắt chuyển sang phần mềm Nhật Cường”, báo này dẫn lời một giáo viên.
Những ứng dụng do NCS cung cấp khó lòng vượt quá 2 sao.
Những ứng dụng do NCS cung cấp khó lòng vượt quá 2 sao.
Năm 2019, phần mềm Pino vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu sau các lần cập nhật. "Phần mềm PINO chạy chậm, có mỗi thông tin điểm của học sinh mà quay mãi không ra. Học bạ nhiều lúc có thông tin sai", anh Nguyễn Việt Quốc, phụ huynh có con học tại trường Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nói.
Trước những phản ánh này, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội thừa nhận có gặp trục trặc, khó khăn trong công tác triển khai sổ điểm điện tử. Đơn vị này cho rằng nguyên nhân phần lớn là do giáo viên bỡ ngỡ khi làm việc trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến và giao diện mới của phần mềm.
"Không thể đổ lỗi cho giáo viên vì bản thân ứng dụng này tệ vô cùng. Không hiểu sao tôi hay gặp lỗi đăng nhập là báo sai mật khẩu. Đổi mật khẩu thì lại vào được. Nhưng thoát ra, đăng nhập lại bằng mật khẩu vừa đổi lại báo sai", M.M, một phụ huynh tại Hà Nội, bức xúc về việc không thể đăng nhập để xem điểm cho con.
Một số bất cập khác như việc ứng dụng giới hạn 50 học sinh trong một lớp khiến nhiều trường hợp không thể sử dụng. "Lớp 53 em mà chỉ cho dùng 50 thì 3 em còn lại điểm nhập vào đâu?", chị Ngọc Hạ, giáo viên cấp một tại quận Ba Đình, Hà Nội nêu thắc mắc với đội ngũ hỗ trợ của NCS.
Nền tảng dịch vụ công gây khó khăn cho dân và cả cán bộ
Ở mảng dịch vụ công, những nền tảng mà NCS cung cấp cũng thường xuyên gặp lỗi, gây trở ngại cho cả người dân lẫn công chức làm nhiệm vụ. Đồng thời, nền tảng web dichvucong.hanoi.gov.vn cũng bị người dân và cả cán bộ nhận định là kém hoàn thiện.
"Hệ thống chạy chậm, lỗi thường xuyên, đến cán bộ phường cũng thừa nhận phần mềm tệ. Vậy mà bao năm nay vẫn phải chấp nhận", độc giả Lê Huỳnh Anh chia sẻ.
 Pino, ứng dụng thông báo điểm điện tử được 2.700 trường Hà Nội dùng bị cho gặp quá nhiều lỗi.
Pino, ứng dụng thông báo điểm điện tử được 2.700 trường Hà Nội dùng bị cho gặp quá nhiều lỗi.
"Phần mềm một cửa của Nhật Cường chán vô cùng, rất hay lỗi. Khi họp chúng tôi đều đưa vấn đề này ra nhưng tình hình không cải thiện. Mỗi khi đang làm mà lỗi, người dân lại trút giận lên đầu chúng tôi. Mệt lắm", M.B, một cán bộ phường tại Hà Nội, phản ánh với Zing.vn.
Hiện ứng dụng Dịch vụ công Hà Nội trên nền tảng Android gần như không thể sử dụng khi liên tục báo mất kết nối và chỉ có 500 lượt tải. Trên kho ứng dụng Google iOS, các phần mềm do NCS cung cấp khó lòng qua được đánh giá 3 sao.
Kèm với đó, các ứng dụng của NCS cũng hứng "mưa bình luận" tiêu cực từ phía người dùng.
Long Khánh (zing)

Có thể bạn quan tâm

Phối hợp quản lý và sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai”

Phối hợp quản lý và sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai”

(GLO)- Để việc quản lý các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai” đạt hiệu quả, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp quản lý và phát triển các nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.