Ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai: Đổi mới, sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khơi thông các nguồn lực, tăng cường nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH-CN), đồng thời đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và phát triển KH-CN; cơ cấu lại đầu tư… là những bứt phá hiệu quả của ngành KH-CN tỉnh Gia Lai trong thời gian qua.

Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở KH-CN-nhận định: Dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành KH-CN Gia Lai đã có những bước tiến, bứt phá quan trọng như xây dựng cơ cấu tổ chức và bộ máy; đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; 2 đơn vị sự nghiệp KH-CN công lập trực thuộc Sở (Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) hoạt động theo cơ chế tự chủ, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng hiệu quả.
  Nông dân huyện Chư Pah ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng chuối rừng để cây phát triển tốt, cho năng suất cao. Ảnh: N.T
Nông dân huyện Chư Pah ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng chuối rừng để cây phát triển tốt, cho năng suất cao. Ảnh: N.T
Sở KH-CN cũng đã tăng cường hợp tác nghiên cứu, thu hút các nguồn lực trí thức chất lượng cao, nhiều kinh nghiệm về tỉnh để nghiên cứu, lấy Gia Lai là địa bàn để nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phát triển. Trong cơ cấu lại đầu tư, Sở đã cải cách công tác lập kế hoạch, tổ chức triển khai kế hoạch hàng năm, kế hoạch từng giai đoạn với mục tiêu không đầu tư dàn trải, tăng cường tiềm lực cho các đơn vị sự nghiệp KH-CN công lập. Đồng thời, hình thành và đưa vào hoạt động các điểm tư vấn nhằm cung cấp cho người dân và doanh nghiệp những quy định pháp luật trong lĩnh vực KH-CN, mở rộng thị trường cung-cầu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Xác định việc sử dụng các nguồn lực tỉnh phân cấp đầu tư cho các huyện, thị xã, thành phố để chuyển giao công nghệ vốn chưa được quan tâm đúng mức, ngành KH-CN tỉnh đã tích cực triển khai theo hướng ưu tiên cho nhiệm vụ cơ sở, hướng về cơ sở phục vụ sản xuất; đẩy mạnh hoạt động chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học và kỹ thuật phục vụ xây dựng làng nông thôn mới; đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng quản lý, triển khai các nhiệm vụ KH-CN cơ sở… Qua đó, tạo hiệu quả cao trong việc áp dụng KH-CN vào sản xuất, phát triển kinh tế tại các địa phương theo hướng bền vững, ổn định.
Trao đổi về nội dung này, ông Trần Đình Quyến-Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pah-cho hay: “Trong 3 năm qua, huyện Chư Pah đã áp dụng KH-CN vào nông nghiệp để đạt hiệu quả cao thông qua các mô hình như: trồng chuối rừng, nuôi bò lai theo quy trình khoa học từ chọn giống, cách chăm sóc, khoanh vùng... Hiện nay, đối với chăn nuôi, các giống vật nuôi mới như bò đều sinh trưởng nhanh, khỏe mạnh hơn giống thuần chủng; đối với trồng trọt, cây chuối rừng hiện cũng phát triển tốt, có máy sấy đảm bảo chất lượng. Huyện Chư Pah đang xúc tiến đăng ký nhãn hiệu để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm”.
Để ngành KH-CN tiếp tục tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội, phục vụ trực tiếp cho các ngành, các lĩnh vực, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, ngành sản xuất, ông Lưu Trung Nghĩa cho biết thêm: Thời gian tới, ngành KH-CN sẽ tích cực phối hợp với các địa phương, cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp trong nghiên cứu triển khai các nhiệm vụ KH-CN để chuyển giao nhanh nhất các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống. Đồng thời, thực hiện công tác đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng quản lý, triển khai các nhiệm vụ KH-CN cho Trưởng phòng Kinh tế, Kinh tế-Hạ tầng, công chức phụ trách KH-CN tại UBND cấp huyện để triển khai đúng chức năng, nhiệm vụ; hướng dẫn chuyên môn, hỗ trợ đầu tư các dự án tăng cường tiềm lực KH-CN, các nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia để tạo điều kiện cho Gia Lai thêm cơ hội phát triển... Đặc biệt, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tích cực tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ KH-CN tổ chức thành công sự kiện “Trình diễn, kết nối cung-cầu công nghệ và Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương lần thứ 12 năm 2019” quy mô toàn quốc tại TP. Pleiku.
 NGỌC THU-THÙY VÂN

Có thể bạn quan tâm

Mạnh tay xử lý SIM rác

Mạnh tay xử lý SIM rác

Cục Viễn thông ghi nhận từ ngày 1/3 đến hết 31/3/2024, trung bình 1 người sở hữu từ 4 - 9 SIM điện thoại, tương ứng 7,9 triệu SIM thuê bao có đứng tên giấy tờ.