Thong dong trên đồi thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi lần về với Tây Nguyên hùng vĩ, tôi lại thích một mình đi trên những ngọn đồi, dưới những cánh rừng thông xanh bằng trạng thái thong dong, an tĩnh nhất. Cảm giác hòa mình cùng màu đỏ của đất bazan, màu xanh mướt của lá thông, của cỏ mềm dưới chân, màu trắng của mây, thiên thanh của trời… là cảm giác tuyệt vời mà những năm tháng rong ruổi ở thành phố tôi không thể nào tìm thấy được.
Về với Tây Nguyên đại ngàn, tôi như được “sống lại” một lần nữa, tâm hồn như trỗi dậy mạnh mẽ, những giác quan cứ thế mà tinh hơn để đón nhận tất cả nét đẹp của thiên nhiên hoang sơ, của đất nước mình. Một nguồn năng lượng mới tự nhiên chảy vào trong con người tưởng chừng như khô cạn sau một quãng thời gian chạy vạy ở thành phố, với muôn vàn lo lắng ưu tư.
Những ngày ở Tây Nguyên của tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi thế, tôi tranh thủ làm những điều mình thích như một cách để chiều chuộng chính bản thân mình. Tôi thong dong đi trên những cung đường xa thành phố, con đường uốn lượn trên triền núi, đường đèo mát rượi, một bên là núi cao, một bên là thung lũng xanh. Chọn một đồi thông đẹp và ít dốc, tôi dừng chân. Sớm sớm, đồi thông chìm đắm trong sương mờ bảng lảng, đôi khi còn có cả những cụm mây trắng bồng bềnh trôi. Buổi trưa, những vạt nắng xuyên qua tán lá thông rọi xuống long lanh như những sợi chỉ màu, và gió vờn qua mát rượi. Chiều xuống, rừng thông trầm mặc, yên tĩnh như một thế giới riêng dành cho những kẻ lang thang như chúng ta. Từ đây, có thể ngắm hoàng hôn buông, cái màu đỏ rực rỡ huy hoàng nhuộm thắm cả phương Tây xa tít…
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Bất kể lúc nào muốn, tôi lại sắp xếp công việc để thong dong trên những đồi thông. Bạn tôi bảo đó là cách du lịch theo “kiểu nghệ sĩ”, “kiểu văn chương”, chán lắm! Tôi không phản biện lại, bởi mỗi người có một quan điểm, một sở thích, một lối đi khác nhau. Tôi thích điều đó bởi nó đem lại cho tôi những cảm xúc mới mẻ, thanh lọc tâm hồn tôi, để tôi có dịp nhìn ngắm cuộc đời đã qua, ngẫm ngợi lòng người. Tôi thường lên đồi thông một mình, khi thì mang theo laptop để viết tất cả những gì mà mình muốn, không thành tác phẩm cũng được, chỉ cần đó là những dòng viết chân thật, ghi hết cái cảm xúc trong lòng mình lúc ấy. Khi thì tôi đem theo sách để đọc, cũng chỉ những quyển sách mỏng về cuộc sống, về tình yêu, hoặc họa cụ để vẽ vời như một họa sĩ nghiệp dư, hoặc máy ảnh để chụp cỏ cây hoa lá… hoặc một thân một mình, chẳng mang theo gì, kể cả điện thoại di động. Cách tận hưởng thiên nhiên như thế chẳng khác nào là “chạy trốn” muộn phiền, rời khỏi thành phố đông đúc và ngột ngạt.
Mùa này, tôi lại tìm về với đồi thông, lại thong dong trên những triền dốc cao. Nếu thấy ngột ngạt, nặng nề quá, tôi vô tư hét to một câu từ nào đó giữa muôn trùng đồi núi. Cũng chẳng ai nghe cả. Chỉ có âm thanh vọng vào lòng tôi. Những giai điệu thật đẹp!
Nếu một lúc nào đó mệt mỏi, chán nản, bạn hãy thử một lần thong dong trên những đồi thông xanh. Mẹ thiên nhiên luôn biết cách xoa dịu chúng ta sau những bầm dập đau thương và trao trả lại chúng ta những gì tuyệt vời, êm ái nhất…
HOÀNG KHÁNH DUY

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.