Đôi đũa bếp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cái thời bữa cơm nấu bằng than, củi, rơm rạ… thì đôi đũa bếp không thể vắng mặt nơi gian bếp, trong mâm cơm gia đình.
Đôi đũa bếp dài hơn đũa ăn; kích cỡ cũng lớn hơn, phần đầu bè ra, mỏng dẹt, cân đối như mái chèo; phần gốc tròn đều, dài gấp đôi phần đầu đũa. Đũa bếp thường làm từ thân gốc tre già, nhờ bàn tay khéo léo của người nông dân qua nhiều công đoạn cưa cắt, tạo hình, vót nhẵn mà nên. Ở những nơi trồng nhiều dừa, người ta chế tác nhiều vật dụng gia đình thông dụng từ lõi thân cây đã hết chức năng cho quả, và đũa ăn, đũa bếp nằm trong số đó.
Định danh “đũa bếp” vì nó gắn liền với gian bếp truyền thống, rất được việc: Dùng đầu đũa đảo cơm khi vừa sôi, lúc cạn nước cho cơm chín đều, tơi xốp. Gốc đũa cời bớt than hồng, vùi nướng củ khoai, con cá. Dùng đôi đũa bếp bưng/nhấc nồi cơm, nồi cá từ bếp để lên chiếc rế. Vì vậy, đũa bếp phần đầu vàng óng màu tre già, đầu kia đen đúa, lặng lẽ hao mòn.
Tận dụng ánh sáng trời, bữa cơm gia đình ở nông thôn ngày trước thường được bày trên nền nhà, vuông sân trước. Thức ăn được đặt trong đĩa, trong tô nhưng cơm lại bê lên cả nồi, mặc định vị trí đầu mâm cơm. Ngồi đầu mâm, hai bên nồi cơm là cha, mẹ; mẹ thường dùng đôi đũa bếp xới cơm vào chén cho các con.
 Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Người phía Bắc không dùng đũa bếp mà có đũa cái/đũa cả. “Cái” hay “cả”, định danh dựa vào chức năng sử dụng, hình dáng, ngôi thứ trong bó đũa. Đôi đũa cả không khác đôi đũa ăn về hình dáng lẫn chất liệu làm ra, có điều nó to và dài gấp đôi. Đôi đũa cả chỉ có một trong bó đũa, như thể đứng vị trí đứng đầu, giữ vai trò cầm trịch.
Bây giờ, hầu như mọi gia đình từ thành thị đến nông thôn đều dùng nồi cơm điện. Gạo cho vào nồi, vo sạch, nước vừa đủ, cắm điện thì tự khắc có cơm, chẳng phải “cơm sôi bớt lửa” hay lo chuyện “trên sống, dưới khê, tứ bề nhão nhoét” nữa… Bây giờ, bếp gas, bếp từ trở nên phổ biến, chủ động nhiệt lượng, người nấu ăn không phải cời than, ủ nóng, giữ lửa thì cần gì đến đũa bếp, đũa cả vào những việc này. Cũng từ đó, củ khoai vùi, trái bắp nướng, con cá hun chẳng thể làm ra, kể cũng kém phần hấp dẫn so với tính năng gian bếp củi truyền thống! Thì đã có lò nướng. Kỳ thực, sản phẩm nhờ vào lò nướng trông bắt mắt nhưng khó sánh chất lượng, hương vị, bối cảnh không gian nơi gian bếp nghèo ám đầy mụi khói; quãng thời gian sự đói nghèo, túng khó đọng lại kỷ niệm khó quên.
Bây giờ, vào quán cơm niêu, cùng với niêu cơm đất nung phần cho mỗi người luôn có đôi đũa bếp nhỏ nhắn, xinh xinh với chức năng truyền đời. Chén cơm trắng ngần, thơm lừng hương gạo lúa mới được bới/đơm ra từ đôi đũa bếp; những dìa cơm cháy sém vàng hươm được cạy/lấy ra từ hông nồi, đáy nồi nhờ vào đôi đũa bếp giòn rộm, thơm nồng khi nhai, vị béo ngọt đọng lại nơi đầu lưỡi mới cảm thấu hết giá trị hạt ngọc của trời!
Bây giờ, có ai còn giữ đôi đũa bếp, đũa cả phần đầu vàng óng màu tre già, đầu kia đen đúa, lặng lẽ hao mòn hay không?
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ 
 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.