"Ánh trăng nói hộ lòng tôi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có những đêm ra đứng ngoài hiên, tìm không thấy ánh trăng đâu, tôi như mất một niềm an ủi nhỏ. Cao nguyên mùa này đón trăng khó lắm. Phải trời quang mây tạnh mới mong có gió mát trăng thanh. Tôi sống ở ngoại ô, bên hông nhà san sát cỏ cây. Tối đến, nếu biết lắng mình thì sẽ nghe rõ tiếng côn trùng ri rỉ. Tôi bất giác nghĩ, hay chúng cũng đang chờ một vầng trăng soi vào khoảng không mịt tối.
Chẳng hiểu vì sao tôi lại nghĩ sự xuất hiện của ánh trăng là một niềm an ủi. Đêm không trăng, bầu trời như tẻ nhạt. Có phải trăng là đốm lửa nhóm lên sự sống của đêm, khi bóng tối phủ dày lên tất cả. Cố nhiên, tôi còn nhớ một đêm trăng sáng. Nhưng đó là trăng của ngày xưa, của những đêm rước đèn và của một tâm hồn thơ trẻ. Người ta bảo, trẻ con thích trăng nhiều hơn người lớn. Thích là thích vậy thôi chứ chưa thể hiểu điều gì. Mà ngay đến tôi bây giờ, chắc gì đã hiểu một vầng trăng.
Tôi đã tưởng đến một đêm trăng nơi xa. Có thể ở đâu đó lúc này, ánh trăng thu bồng bềnh đang dìu người qua muôn vàn lối nhỏ. Nhiều khi thấy mình khác lạ, giữa tràn trề ánh sáng nhân tạo mà còn mong ngóng một nguồn sáng của tự nhiên. Nhưng mộng tưởng về cái đẹp thì hình như chẳng có gì đáng tội. Nơi xa ấy, trong ý nghĩ của tôi, là bờ cỏ bãi sông, là cánh rừng dài theo tiếng gió. Dòng trăng chảy đến những nơi tĩnh mịch như thế chắc phải đẹp hơn, nõn hơn lúc tỏ soi chốn đông người. Những ý nghĩ cứ thế dẫn tôi đi. Người đi dưới trăng khuya như đang đi qua sông. Nghe bàn chân miên man đến lạ.
Sương đêm mỏng mà lạnh. Tôi nghe phong thanh tiếng gió. Chưa bao giờ lại “thèm vụng” một ánh trăng mảnh dẻ soi xuống vai mềm, chữa lành những vết thương sâu đến vậy. Hồi bé cứ thỏa thích trông trăng nhưng trẻ con thường vô tư bởi chưa có nhiều thương tổn. Bây giờ mới biết trăng xuất hiện trên thế gian này để tỏ vào lòng người những dịu hiền. Ngày nay, người nhìn người để sống sao cho phải. Còn người xưa nhìn trăng để tự răn mình, soi trăng để gìn giữ tâm mình sao cho trong sáng, thanh thuần. Như một nhà văn từng nói, “ánh trăng thong thả nhân hậu sâu xa làm dịu đi những gay gắt, tính toán bạc bẽo”.Thực đúng là như vậy!

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Tôi biết, có nhiều người ở phố nhớ da diết trăng quê. Vầng trăng đâu chỉ là vầng trăng, đó còn là một khoảng trời kỷ niệm và tình thương mà con người đã từng có được. Phải nhờ ánh trăng để làm sống dậy chừng ấy điều quý giá. Người mang tâm sự nhìn trăng cũng khác. Trước những thăng giáng của cuộc đời, có người im lạnh. Họ nhìn trăng mà im lạnh. Chỉ vững một niềm tin rằng cái thiện của lòng người cũng sáng như trăng rằm, sẽ có lúc được thấu tỏ, chẳng cần nhọc nhằn phân bua.
Cái đêm ra đứng ngoài hiên ấy, tôi đã nhẫn nại chờ dù biết trăng không về qua ngõ. Mong trăng, có lẽ tôi phải đợi một ngày hé nắng. Tôi lững thững vào nhà, trong lòng vẫn chưa thôi mấy ý nghĩ vẩn vơ. Với tôi, trăng là bạn. Vầng trăng tròn đầy hay ánh trăng mảnh khảnh đều đẹp. Tôi cũng muốn ngắm trăng để soi mình. Cuộc đời con người dài ngắn vô chừng, nếu có được một “tấm gương” như vậy để soi chỉnh tâm tính bản thân thì quá tuyệt chứ sao. Nhưng ngẫm ra, mỗi ngày chúng ta có biết bao điều hay để soi mình chứ đâu phải chỉ nhờ một đêm trăng sáng. Cũng có lúc bạn mang cho tôi một cuốn sách hay, bạn cũng là trăng vậy!
LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.