Ký ức ngày hè

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vào mùa này, cứ chiều đến là tôi phải đi tránh nóng bởi căn phòng nhỏ thật oi bức. Hiếm có ở đâu nắng nhiều như vùng “chảo lửa” này. 
Nắng dựng đứng từ trên xuống, như đổ lửa xuống căn phòng mấy chục mét vuông. Mây trắng và những chiếc máy bay vẫn bận rộn trên nền trời xanh cao tít như chẳng bao giờ biết có ô cửa sổ bé nhỏ của tôi dưới này. Ô cửa mà ngày ngày tôi vẫn ngồi viết ra những con chữ để rồi cũng chỉ theo gió và nắng bay đi và tan biến. Mùa hè là những đêm người ta thức nhiều hơn ngủ.
Tháng 6 về, cái nóng lật tung tất cả những tấm thảm, chăn, nệm ghế… và cả những ý nghĩ cũ kỹ lên bằng hơi thở của vũ trụ. Ấy vậy mà chính cái nóng bức bối, ngột ngạt lại làm người ta nhận ra lòng mình trẻ hơn. Bất giác, tôi quên khuấy 20 năm đã qua, lại mặc áo thun không cổ, quần short, dép xỏ ngón xuống vỉa hè uống ly trà chanh, nghe gió thanh xuân thổi dọc phố thị mùa hè như những ngày xưa.
Bao lâu nay, ta chẳng mấy bận tâm đến hàng cây đang vươn mình lớn lên dọc phố. Vào những đêm mùa hè, tiếng điều hòa “ro ro” kèm theo những giọt nước nhỏ xuống hiên vắng. Từng giọt nước ấy liệu có đủ tưới mát cho những gốc cây cô đơn bị bủa vây giữa bụi và ánh đèn hay chỉ thoáng chốc chạm vào nền đất khô rốp rồi bốc hơi, tan biến.
Nhớ một thời, vào những đêm nóng bức thế này, tôi và những người bạn lại phóng xe đạp lên đập nước ở rìa thị trấn, ngồi tán gẫu với bim bim, vài chai nước mang theo cho đến khi đêm chùng xuống, hơi mát dâng lên, mới về nhà ném mình vào giấc ngủ. Mỗi năm thêm một tuổi, người ta lại “bám rễ” sâu hơn vào cuộc sống, vơi dần những nông nổi như hạt hoa bay bồng thuở nào. Bớt những chuyến ngược xuôi vào Nam ra Bắc để tìm đường, nhận đường; bớt mong ngóng bon chen. Thử hỏi: Ta đi đâu tránh nóng khi chính ngôi nhà, những viên đá lát, hàng cây và những kỷ niệm của ta gắn bó nơi miền “chảo lửa” này đang lên “cơn sốt” vô hình ấy? Ta chờ gió ở đâu thổi đến nếu không biết tự làm dịu mát chính lòng mình. Cái nóng mùa hè có thể làm da mẩn ngứa, thân thể tứa mồ hôi nhưng đâu có đáng sợ bằng sự nông nổi, ảo tưởng và ngờ nghệch. Có những đêm đông lòng ta còn oi bức hơn cả đêm hè là bởi can cớ gì?
 Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Mùa hè là của những người thật trẻ. Dám thức khuya để kể cho nhau nghe những dự định cả tin và bồng bột một thời, để nhớ về cô bạn gái cũ. Hình như đêm mùa hè nào oi nóng cũng là đêm ký ức, bao nhiêu vụng dại lại hiện về trong trí nhớ. Nếu không có đêm mùa hè để trút cạn, thử hỏi, ký ức còn xếp chồng, xếp lớp đến bao giờ.
Hơi thở của vũ trụ đã len lỏi vào gió, vào nhịp thở của mỗi người. Đêm mùa hè trong veo khi đất trời như nở thêm ra bằng sức nóng ấy. Những hàng cây mới trồng lại văng vẳng tiếng ve, con ve cũng đâu biết được cái sứ mệnh lớn lao của mình khi đã thành sứ giả của thời gian tự bao giờ. Mùa hè, ở đồng bằng hay miền núi, làng quê hay phố thị đều gần lại trong sự oi nồng quen thuộc. Nóng bức đấy mà cũng dịu dàng đấy bởi những cơn mưa bất chợt ùa về. Mưa như bản nhạc không lời, một thứ siêu ngôn ngữ của ký ức hôm qua, của khát vọng ngày mai.
Đêm mùa hè ngắn lắm nhưng chỉ cần thế là đủ những cung bậc cảm xúc để ai đó rung lên những suy cảm riêng mình.
BÙI VIỆT PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...