Vườn nhà sang xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vừa xong công việc của trường lớp trong một học kỳ nhiều khó khăn vì dịch bệnh, được nghỉ ngơi một ngày, tôi thư giãn bằng cách sửa sang lại mấy luống hoa, cắt tỉa cành cây trong vườn nhà để chào xuân đón tết. Bất chợt lòng rộn vui khi nhìn thấy cả khu vườn đang tràn ngập sắc hương khi xuân đến.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Vườn nhà qua một mùa đông gió vùi mưa dập, cây cối xác xơ, nhìn những cánh hoa chưa kịp nở hết đã rụng rơi đầy mặt đất mà ngẩn ngơ tiếc nuối. Nay tiết trời dần ấm, mưa phùn dịu nhẹ, mặt đất ráo hơn, những tia nắng vàng tươi nhảy múa nô đùa trên ngàn lá, làm lấp lánh giọt sương đêm còn đọng đầu cành. Cảm được tin xuân đang về nên cây cối trong vườn cũng đâm chồi nảy lộc, đua nhau khoe hương sắc.

Phía trước sân, mấy khóm hoa vạn thọ sum suê tươi tốt, lác đác trổ bông đầu với hai màu vàng đỏ. Mới hôm nào còn sợ ốc sên cắn phá mà giờ đã cho hoa, đơm đầy búp nụ. Mấy chậu hoa hồng với nhiều mầm non tím thẫm, mỗi chồi mầm đang ấp ủ một nụ hoa. Rất nhiều nụ lớn đã nở, đủ sắc màu đỏ, vàng, cam, trắng, hồng. Những bụi hồng trồng ngoài đất nhiều dinh dưỡng nên rất sai hoa, cánh lớn, khoe màu tươi thắm trong nắng xuân. Hồng còn có hương thơm dịu, thoảng trong hơi sương buổi sớm mai, giúp mang lại cảm giác khoan khoái dễ chịu. Dù nở quanh năm nhưng mùa xuân với nhiều yếu tố thuận lợi, hồng tươi tốt rực rỡ và hương cũng nồng nàn đậm đà hơn.

Kế bên là cây nguyệt quế cành lá mướt xanh, cho hoa từng chùm trắng muốt, thơm quyện với hương hoa lài cùng nhau tỏa hương ngào ngạt vườn xuân.

Cây bưởi bên hè lặng lẽ suốt mùa đông, nay như sợ mình chậm trễ nên cố đâm chồi, ra hoa, kết trái. Thoảng mùi hương hoa bưởi thơm nồng nàn khiến tôi nhớ đến mùi hương từng bối rối lòng ai trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn “hương bưởi thơm cho lòng bối rối”.

Tôi đặc biệt quan tâm đến những cây mai, cả mai xuân và mai tứ quý. Thân cành mảnh khảnh, suốt cả năm nép mình giữ gìn từng chiếc lá, chờ xuân sang đón đợi hơi ấm bàn tay con người tỉa lá, từng búp nhỏ li ti như hạt đỗ lộ ra, rồi đến tết sẽ nở bung những cánh hoa vàng rực, thắm tươi, reo vui với đất trời và như thể đáp đền ơn người chăm bón. Tôi chỉ trồng và chăm để chơi mấy ngày tết, không có kĩ thuật gì nên cây cứ tự nhiên đẻ nhánh, kết hoa. Riêng hai cây mai tứ quý, dù chưa lặt lá mà hoa đã nở nhiều, từng cánh hoa vàng ươm gọi mời bướm ong rập rờn bay lượn. Mai trở thành hoa biểu tượng cho mùa xuân, loài hoa mà Cao Bá Quát từng ngưỡng mộ “nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Những khu nhà vườn ở miền Trung, miền Nam chuyên trồng mai bán tết với kĩ thuật tạo dáng mai rất độc đáo, chăm bón khéo nên cây và hoa rất đẹp.

Tôi ngạc nhiên và thích thú với những cánh hoa dại trong vườn. Những loài hoa bé nhỏ không ai để ý đến nhưng nay lại bung nở hết mình rực rỡ. Cây me đất thân cỏ mong manh cho hoa vàng năm cánh; cây bù xít hoặc cỏ hôi cho hoa trắng tím; cây trinh nữ còn gọi là mắc cỡ hoặc xấu hổ, thân nhiều gai nhưng cho hoa tròn vo hồng nhạt, hơi ngả sắc tím, từng là nguồn cảm hứng trong nhạc và thơ. Bên tường rào phủ nhiều dây leo, sáng nay cũng tím biếc sắc hoa bìm bìm, cánh hoa mỏng, hình chuông vẫn còn đọng hơi sương. Loài hoa mộc mạc bình dị nhưng đẹp đến mê hồn! Tôi bâng khuâng nhớ tuổi thơ thường hái lá bìm bìm để nấu canh tập tàng.

Điều quý nhất là những loài cây dại bé nhỏ lặng lẽ, chẳng ai nâng niu chăm sóc nhưng sức sống rất mãnh liệt diệu kì. Không đợi một lời khen, không mơ một tên gọi mỹ miều, càng không dám mong chờ được trưng bày nơi lầu son gác tía nhưng cây vẫn xanh tốt, vẫn nở hoa rực rỡ. Mỗi loài cây, mỗi sắc hoa dù cho bé nhỏ thế nào đi nữa vẫn là một phần của tự nhiên, có những giá trị riêng, đều điểm tô cho cuộc sống. Vì thế, những cây hoa dại đều có quyền tự hào về mình vì đã sống một cuộc đời đầy bản lĩnh và tận hiến.

Đàn chim sắt, chim sâu, se sẻ cùng rủ nhau bay về vườn nhỏ. Tôi vui khi thấy chúng chuyền từ cành mai, cành bưởi lên mái nhà, ríu rít gọi nhau gọi niềm thân mật yêu thương. Đàn ong bầu chăm chỉ lượn quanh mấy cánh mai nở sớm, tiếng vo ve rộn cả góc vườn. Những thanh âm, hương sắc ấy giúp tôi như cảm thấy thật sự thư giãn.

Năm mới đang đến rất gần, lòng người cũng rộn vui trước buổi giao thời của trời đất. Cả ngày nghỉ được hòa mình với cỏ cây, lắng nghe từng nhịp sống đang sinh sôi nảy nở, tôi hiểu được những điều giản dị ở quanh mình để thêm yêu đời, yêu cuộc sống và hi vọng một năm mới bình an hạnh phúc với muôn nhà.

Theo PHAN HUY THÙY (QNO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.