Ký ức Giáng sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giáng sinh năm ấy, ông nội chở tôi lên khu đồi cao lộng gió-nơi bà tôi nằm lại ở đấy. Ông ngồi lặng im dưới bóng thông xanh mát.
Lần đầu tiên, tôi đi với ông và mê lạc vào rừng thông. Mùi nhựa và hương thông thoang thoảng, ngai ngái và trong như hổ phách, tươi mới, thơ thái một cách khó tả. Tôi thắc mắc rằng: “Sao ông không chặt một cây thông mang về nhà mà cứ phải ra đây ngồi chuyện trò cùng chúng mãi thế!”. Ông cười bảo: “Ông thích được ngồi ở đây, bởi Giáng sinh không phải là mùa, nó chính là hạnh phúc”. Những ký ức xinh xẻo, nho nhỏ, được ông cẩn thận gìn giữ qua năm tháng, giờ được tôi mang ra hong khô rồi cất giữ riêng mình.
Ngày còn nhỏ, tôi thích Giáng sinh về trên Giáo xứ Đức An (TP. Pleiku). Đó là lúc thượng tuần tháng 12 rực rỡ sắc màu, tiếng chuông sẽ rung ngân thánh thót. Ông nắm tay tôi dạo quanh những con dốc nhỏ buốt lạnh, rồi cùng ngắm cảnh thành phố được choàng bởi thứ ánh sáng đẹp huyền ảo, diệu kỳ, lan tỏa cả một không gian rộng lớn. Đêm sẽ xuống đẹp đẽ với những ngọn đèn xanh đỏ và lan tỏa niềm ấm cúng, hạnh phúc muôn nơi. Tôi reo mừng khi những ngọn đèn, dây đèn, dây cờ và hang đá được trang hoàng, tô điểm cho thánh đường thêm lộng lẫy.
Buổi chiều, tôi cứ thế miết mải trông lên tháp chuông. Thế giới tôi từng mơ ước sẽ có một ngày đến cùng chàng gù Quasimodo nổi tiếng mà tôi đã đọc trong tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris. “Nhà thờ Đức Bà ở đâu hả ông?”-tôi hỏi. Ông tôi chỉ về phía trước và nói: “Nó giống như thế này này, nhưng ở tận Paris nước Pháp, cháu à!”. Trong mắt đứa trẻ của 20 năm về trước, chắc nhà thờ Đức Bà cùng lắm to hơn nhà thờ Đức An của tôi một chút. Nơi đó có một chàng gù Quasimodo làm nghề gác chuông. Nhưng tôi dám chắc, dù khoảng cách địa lý xa đến thế nào thì mọi nhà thờ, đêm Giáng sinh đều ánh lên những ngọn nến rực rỡ như chiếc gương thần xanh.
Bây giờ, tôi thật lúng túng khi con gái nhỏ thắc mắc: “Mẹ ơi, ông già Noel có thật không ạ?”. Nhìn ánh mắt trong veo của con, tôi vờ lẩn trốn câu trả lời. Tôi chỉ muốn giữ gìn thật lâu ánh mắt ấy, ánh mắt mà tôi đã từng có; nuôi một chút hy vọng, giữ lấy niềm tin cho những tâm hồn thơ trẻ. Để thấy, thế giới trẻ thơ tự các con đã thắp sáng ngọn nến cho người lớn soi vào. Nuôi dưỡng những câu chuyện cổ tích, những điều kỳ diệu trước đây, tôi được truyền trao từ ông. Nhìn vào mắt con, tôi cảm nhận được sự phản chiếu ánh xạ của ngọn nến, vẻ rực rỡ của cây thông, chấp chới những lời chúc, hồi hộp trước những gói quà. Trước ánh mắt trong veo của con trẻ, tôi nhìn vào đấy mà giữ lửa ước mơ. Có lẽ bất kỳ đứa trẻ nào được nhận quà của ông già Noel thì mai này khi lớn lên chúng sẽ biết cách trao tặng yêu thương, hiểu được cách mang hạnh phúc đến từ những điều nhỏ nhất, thiết tha, chân thành từ chính tấm lòng, trái tim đã được yêu thương.
Những đứa trẻ như con tôi rồi sẽ lớn lên. Tuổi ấu thơ rồi cũng sẽ qua đi như giấc mơ. Nhưng tất cả sẽ luôn nhớ về những đêm Giáng sinh bên gia đình, cạnh cây thông xanh trong tiếng chuông nhà thờ thánh thót vọng vang từng giọt đổ nghiêng vào đêm, vút lạnh, rớt xuống rồi loang xa dần. Khắp nơi vẫn đang nguyện cầu cho dịch bệnh qua mau, sự sống vĩnh hằng, bình an và cuộc sống quay trở về bình thường như trước đây đã thế.
Phố đang trở mình rét ngọt. Tôi chợt nghĩ, thật hạnh phúc khi chúng ta được bên nhau, thì thầm dưới gác chuông lời yêu thương ấm áp, Giáng sinh an lành.
NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.