Chiếc áo tơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày mưa bão, tôi đưa đón cháu nội đến trường. Lặng nhìn các sắc màu áo mưa sặc sỡ của các cháu, tôi chợt nhớ những ngày xưa đi học với chiếc áo tơi chằm bằng lá rừng.
Những năm 60-70 của thế kỷ trước, khi mùa đông đến, ba tôi lại vào rừng tìm lá kè hoặc lá đùng đình về kết thành những chiếc áo tơi dùng che mưa nắng cho cả nhà.
Bó lá kè hái về được ba lựa cẩn thận để chọn những chiếc lá còn nằm trong búp non, thường bằng cổ tay người lớn, dài chừng 40 cm trở lên. Sau đó, đem phơi nắng nguyên búp để có màu trắng đẹp. Đến lúc khô, dùng tay xòe búp ra như cánh quạt, tước theo biên sống lá sẽ có những bẹ lá rộng chừng vài đốt ngón tay. Ba tỉ mẩn khâu lại các bẹ lá bằng những sợi mây vót nhỏ, đan thành những tấm như lợp mái nhà, xếp lên nhau, phía biên trên xâu sợi dây để khi đeo áo tơi lên người sẽ cố định trên cổ và lưng.
Lá đùng đình chỉ lớn hơn bàn tay xòe, ba chọn những lá già còn nguyên chưa bị rách rồi hái về phơi khô, vuốt thẳng, xâu lại từng chuỗi. Sau đó, ba đan xếp từng tấm dài lá đùng đình và kết lên chiếc sườn áo tơi từ dưới lên trên như lợp mái nhà, thành một tấm áo tơi hình chữ nhật. Khi làm xong, cuộn lại treo trên gác bếp. Tùy thuộc vào chiếc áo cho người lớn hay trẻ em mà cắt xén theo độ rộng, dài, ngắn cho vừa. Màu lá lúc đầu xanh, khi khô chuyển sang màu xám đậm. Một chiếc áo tơi lá có thể sử dụng cho mùa nắng thì mát, mùa mưa thì ấm, độ bền đến 3-4 năm.
Ảnh minh họa: Minh Chiến
Ảnh minh họa: Minh Chiến
Nói là chiếc áo nhưng cũng chỉ là một mảnh lá kết lại, khi cuộn lại thành vòng tròn quanh người, khoét một lỗ trống ở biên để buộc sợi dây tròng vào cổ. Phía chân tơi được đan rút ngắn hơn phần thân để ôm vừa với người. Chiếc áo đơn sơ nhưng khi tròng vào người, vừa chống mưa, vừa chống lạnh, có thể xoay áo quanh mình để cản hướng gió mưa khỏi ướt, rất tiện.
Nhớ những ngày ba má ra đồng nhổ cỏ, cấy lúa, chiếc áo tơi lá trên lưng nhìn xa như những chiếc nấm chuyển động. Chiếc áo vừa che mưa, giữ thân nhiệt những hôm gió lạnh và làm mát khi trời nắng gắt. Ngày mùa, mọi người nghỉ trưa trên bờ ruộng, những chiếc áo tơi được trải úp, kết lại thành chiếu lá, bày thức ăn cùng chung vui. Để ngả lưng nghỉ ngơi trong chốc lát, chiếc áo tơi lại làm chiếc chiếu đỡ lưng và chiếc nón úp lên mặt che ánh nắng mặt trời giúp người nông dân có giấc ngủ nhanh để lấy sức làm việc buổi chiều. Chiếc áo tơi sau khi đã hỏng được cắm lên bờ ruộng, đầu đội một chiếc nón cời đứng dang tay để làm con bù nhìn xua đuổi chim, chuột.
Những ngày đi học mùa mưa bão, chiếc áo tơi của nhóm học sinh tiểu học chúng tôi được mắc xung quanh vách nứa của lớp học. Trên nón, dưới áo, nhìn xa giống như những ụ nấm bao quanh vách lớp. Sau đó vài năm, những chiếc áo tơi bằng ni lông xuất hiện, có mũ có tay nhưng chỉ những nhà có điều kiện mới mua cho con mặc đi học. Riêng tôi vẫn chiếc áo mà ba đã đan, mặc cho vài tiếng trêu đùa: “Con cúm núm di động!”.
Trong bối cảnh ngày trước, đất nước còn khó khăn, những chiếc áo tơi lá một thời đã gắn bó bao thế hệ với nhiều tiện ích. Dù thời gian có làm cho mẫu mã chiếc áo mưa thay đổi nhưng những hình ảnh gần gũi, thân thương của chiếc áo tơi lá một thời vẫn ghi lại trong tôi nhiều cảm xúc.
AN SINH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.