Tình thân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không nhìn thấy được, không sờ chạm được nhưng sợi dây tình thân từ trong huyết quản gắn kết những người trong gia đình, họ tộc lại với nhau và như chim có tổ, con người dù đi đâu cũng nhớ về nguồn cội. Tình thân là một phần trong những gắn kết quan trọng của mỗi người với quê hương, đất nước.
Những mối thâm tình đầu tiên mà một người có được là với mẹ cha, với anh chị em ruột thịt. Cùng với gia đình nhỏ này là một gia đình lớn với ông bà nội ngoại, cô dì chú bác, anh chị em họ; rộng hơn nữa là những người có quan hệ họ hàng thân thuộc gần xa. Những mối tình thân ấy gắn kết mỗi người chúng ta trong một mối ràng buộc với đầy yêu thương và trách nhiệm. Và chính trong những gắn bó ấy mà chúng ta có thể sống vui tươi, hạnh phúc, tin yêu. Những ân tình mà ông bà, cha mẹ dành cho con cháu thật không có biển sâu, núi cao nào sánh được. Trong một gia đình truyền thống của người Việt Nam, “tam đại” hay “tứ đại đồng đường” là một hạnh phúc lớn lao. Ở đó, những người già được con cháu chăm sóc, con cháu nhỏ được ông bà giúp ẵm bồng, dạy dỗ, tạo nên một nếp nhà ấm êm đáng quý.
Một gia đình đầm ấm với người mẹ luôn ân cần chăm sóc, lo toan từ miếng ăn, giấc ngủ cho đàn con; một người cha mạnh mẽ, vững chãi với những đứa con thương yêu, nhường nhịn lẫn nhau luôn là hình ảnh mơ ước. Những bữa cơm cả nhà ngồi quây quần bên nhau luôn là một điều gợi thương nhớ cho những ai xa nhà, dù chỉ là những món ăn đạm bạc của quê nghèo. Trong ký ức của những đứa con khi trưởng thành, có lẽ đậm nét nhất là hình ảnh người cha, người mẹ luôn bên con trong lúc khó khăn nhất như ốm đau hay buồn khổ. Yêu thương ấy sẽ theo những đứa con đến lớn khôn và sẽ là một niềm đau đáu khôn nguôi khi những ngày tháng êm đềm đã đi vào dĩ vãng.
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Với những người vì hoàn cảnh phải xa rời tình thân thì nỗi đau đáu cả đời là tìm lại được người thân bị thất lạc. Cái sợi dây tình thân ấy thiêng liêng đến mức dù đã có tất cả: một gia đình mới yêu thương, một cuộc sống đầy đủ về mọi mặt thì cái lỗ hổng vì thiếu vắng tình thân vẫn không gì có thể lấp đầy. Nhiều chương trình thiện nguyện được lập ra để giúp những người này. Đôi mắt buồn của họ, câu chuyện đầy nước mắt của họ khi phải xa rời người thân thật là ám ảnh. Rồi ánh mắt họ sáng lên, nụ cười trở lại trong hạnh phúc vỡ òa khi gặp lại người thân khiến những người theo dõi cũng rưng rưng xúc động.
Thời gian đã làm mái tóc mẹ cha bạc màu và những đứa con lớn dần lên. Rồi như chú chim non đủ lông cánh, các con rời xa cha mẹ để xây cho mình những tổ ấm mới. Ngôi nhà xưa vẫn luôn là nơi đi về, là nơi con cháu tụ họp bên ông bà, cha mẹ. Nhưng rồi cha mẹ mỗi ngày một già yếu và đành rời xa con cháu để đi vào thế giới vĩnh hằng. Thiếu người cha, người mẹ làm cây cao bóng cả chở che, những gắn kết trong gia đình lớn có còn bền chặt hay không phụ thuộc rất nhiều vào từng thành viên của nó. Trong thực tế, nhiều gia đình có những gắn kết vô cùng khăng khít, hỗ trợ, quan tâm lẫn nhau tạo nên một bức tranh gia đình lớn rất đáng ngưỡng mộ. Để có được điều này, ngoài tình cảm tự nhiên của những người cùng máu mủ dành cho nhau còn là sự nhường nhịn, hy sinh, mỗi người bớt cái tôi một chút để giữ được sự hòa thuận, ấm êm. Hạnh phúc của những gia đình này thật không tiền bạc nào mua được, và hẳn cha mẹ của họ đã được ngậm cười nơi chín suối.
Cũng có nhiều trường hợp, người con khi có gia đình riêng vì những mối quan tâm mới, những lo toan riêng và những tác động khác trong cuộc sống đã không còn sự gần gũi, gắn kết với gia đình. Tình thân nếu không được giữ gìn, vun đắp thì cũng sẽ trở nên nhạt nhòa. Thực tế có nhiều người vì quyền lợi cá nhân mà có hành xử không đúng với người thân, dẫn đến những sự việc đáng tiếc. Có những đứa con không trọng ân nghĩa sinh thành dưỡng dục mà làm điều trái đạo lý khiến cha mẹ buồn lòng. Có những tình thân phai mờ đến mức anh chị em hầu như không còn mối quan tâm dành cho nhau, thậm chí còn ghét bỏ nhau. Những câu chuyện như vậy chúng ta vẫn đôi lúc được nghe. Điều đó thật đáng buồn!
Cũng như mọi mối quan hệ khác, tình thân cần được vun đắp, xây dựng để có thể bền vững và ấm áp. Vun đắp cho tình thân là góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc cũng như giúp cho một xã hội tốt đẹp hơn.
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...