Hạnh phúc...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khó diễn giải một cách rạch ròi cho hai từ Hạnh phúc, bởi mỗi người đều có lý lẽ cho riêng mình. Còn tôi - hạnh phúc là lúc này, khi còn được bình yên để nghĩ và viết về những điều lành lặn của cuộc sống mà không nhiều người làm được trong thời khắc sóng gió vì đại dịch trên dải đất hình chữ S này.
 

Hạnh phúc là khi mỗi sáng thức dậy, được nhìn bầu trời ngoài kia trong xanh; cây lá trong vườn vừa nhú thêm một chồi non; một đóa hoa vừa xé nụ khoe sắc đỏ. Tiếng chim non gọi mẹ. Tiếng chim mẹ gọi bầy đón ngày tươi mới.
 
Hạnh phúc là khi được hít thật sâu dòng khí trời mát rượi, trong lành; được thay bộ quần áo tươm tất trước giờ đi làm; được uống ly cà phê có đủ vị ngọt đắng của cuộc sống... chứ không phải hít thở dòng oxy từ chiếc máy chỉ dành cho những bệnh nhân đang trở nặng, hay chỉ một bộ quần áo nóng rát giống nhau mỗi ngày chăm sóc người bệnh mà không có sự lựa chọn và viên thuốc đắng mỗi ngày mà thay cho ly cà phê đủ vị mỗi sáng như thói quen thường nhật.
 
Hạnh phúc là trên con đường đi - về mỗi ngày không nghe tiếng còi hụ từ những chiếc xe cứu thương vội vã khiến lòng người bất an; không thấy những đôi mắt đỏ hoe của người thân, bạn bè trước những cái chết tức tưởi vì dịch bệnh và không phải chứng kiến những đoàn xe tang lặng lẽ nối đuôi nhau trước lò hỏa táng chờ đến lượt hóa kiếp.
 
Hạnh phúc là mỗi ngày giở từng trang báo, dù đọc vội được nhận ra người nhiễm bệnh từ 5 con số xuống còn 4 con số; 4 con số xuống còn 3 con số và cứ mong sẽ không còn con số nào trong bảng thống kê về số người nhiễm bệnh. Và hạnh phúc hơn nhiều khi vừa mới đây thôi, thằng em đồng nghiệp từ Sài Gòn báo rằng: Anh ơi, mẹ và cả gia đình em gái của em không ai trở nặng vì COVID-19. Tất cả đều khỏe, xuất viện rồi anh à!
 
Hạnh phúc là khi những ký gạo, mớ rau, con cá khô mặn muối... trao tay trong những ngày Sài Gòn trở bệnh. Mấy tháng rồi thành phố ốm, nhưng đã có những tấm lòng luôn nghĩ về nhau; những ánh mắt thương cảm và chia sẻ; những phần quà cùng một đích đến để những mảnh đời bất hạnh nhận ra mình có một giá trị sống như bao người khác chứ không phải là một sự tồn tại. Ở đâu đó nơi góc phố, người với người lại í ới gọi nhau chia phần cứu trợ; san sẻ tấm lòng và cả những nụ cười gần xa hướng về những phận người nghèo khó.
 
Hạnh phúc là khi những người anh, người chị, người em mặc áo Blouse trắng và cả những đứa con, đứa cháu đang tuổi ăn, tuổi học từ miền Bắc, miền Trung và vùng đất Nam Tây Nguyên này vẫn ngày ngày hướng về tâm dịch. Xắn tay kiểm dịch; in bước chân trong từng ngõ hẻm; miệng nở nụ cười mà trao niềm tin đến với mọi người về một ngày chiến thắng dịch bệnh. Nhưng... sẽ thật hạnh phúc hơn, hạnh phúc thật nhiều nếu không có những người anh, người chị, người em mặc áo Blouse trắng lặng lẽ về lòng đất mẹ, khi mới hôm qua thôi còn hết lòng cứu chữa những bệnh nhân nguy kịch vì đại dịch.
 
Hạnh phúc là khi những người lính Bác Hồ trở thành người đi chợ cho các bà nội trợ. Mớ rau, con cá... trao đến tận nhà để mỗi người dân yên tâm chống dịch. Đất nước gọi, Nhân dân cần, các anh lên đường dẫu phía trước là những ngày gian nan; dẫu phía trước là những ngày cơ cực của người lính thời bình.
 
Hạnh phúc là khi những đoàn xe nối đuôi nhau hướng về miền Nam ruột thịt. Những chuyến xe nặng nghĩa nặng tình chuyển từng cây rau, trái bầu, trái bí, con cá, củ hành... từ những tấm lòng thơm thảo. Những tấm lòng thơm thảo ấy được chắt chiu từ mảnh vườn của người nông dân một nắng hai sương. Những tấm lòng thơm thảo ấy được nhóm lên từ những chàng trai, cô gái còn rất trẻ không muốn ghi tên trên phần quà trao tặng và những tấm lòng thơm thảo ấy còn được góp lại từ con heo đất của đứa bé nhà nghèo hay chút tiền còm của người ông, người bà nơi xóm trọ dành dụm nuôi nấng tuổi già....
 
Hạnh phúc là khi còn được nghĩ và viết. Và hạnh phúc hơn là khi chưa thể kể hết những câu chuyện ân tình...

 

Theo VĂN QUANG (LĐ online)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.