Cơi trầu của nội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bà nội tôi thuộc lớp người xưa bên lũy tre làng, răng đen, bàn chân giao chỉ “đi như chạy suốt một đời” và luôn nhai trầu bỏm bẻm. Có hai vật dụng suốt ngày ở bên nội tôi là cái cơi trầu để ở tràng kỷ cùng ông bình vôi và chiếc bị trầu giắt bên mình mỗi khi ra khỏi nhà. 
Tôi không biết nội tôi “nghiện” ăn trầu từ lúc nào, từ thời còn con gái chăng? Hồi còn nhỏ, thấy nội suốt ngày nhai trầu rồi nhổ ra thứ nước màu đỏ tươi như máu, tôi hỏi bà ăn trầu có ngon không? Nội tươi cười: “Cha mi! Hỏi chi lạ rứa… Không ngon mà nội ăn suốt ngày được à! Cơm cá nội nhịn được đôi bữa, nhưng không có miếng trầu thì lạt miệng chịu không thấu, cháu ạ”. Khi đó, tôi vốn tò mò, lén nhặt miếng trầu đã têm cùng miếng cau tươi đưa vào miệng nhai thử có “ngon” như nội nói không?! Trời đất… Tôi nhai được vài phút, không dám nuốt nước thì mùi trầu xông lên tận đầu, miệng nóng ran như muốn bung lửa, nước mắt chảy ra ràn rụa đành phải nhổ ra và lấy nước ấm súc miệng. Từ đó, tôi không bao giờ dám đụng vào cơi trầu của nội.
Cơi trầu của nội hình trụ, đáy cạn, làm bằng đồng, có nắp đậy, lớn như chiếc tô canh bằng sành sứ ngày nay. Nội kể, đây là di vật từ thời cố nội để lại. Khi mới về làm dâu nhà này, nội đã nhìn thấy bà cố sử dụng rồi. Bấy giờ, tôi thầm hiểu, tục ăn trầu của người Việt đã có từ thời xưa. Đến khi đi học, đọc được sự tích “Trầu cau”-câu chuyện tình đầy trắc ẩn, bi thương, tôi mới hiểu được ý nghĩa của phong tục ăn trầu, mời trầu-“miếng trầu là đầu câu chuyện” trong tâm thức và truyền thống người Việt.
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Trong cơi trầu của nội bao giờ cũng có năm bảy miếng trầu đã têm với ít lá trầu xanh, vài quả cau tươi, một ít vỏ khô cây chay và thuốc bổi (thuốc rê) cùng một con dao xếp nhỏ để bổ cau; tất nhiên không thể thiếu ông bình vôi lúc nào cũng nạp đủ thứ vôi trắng hồng dẻo quẹo mua ở chợ quê. Những thứ “nguyên liệu” cùng vật dụng này để chế biến một miếng trầu đúng nghĩa làm nên chất cay nồng, ấm nóng đủ độ thơm tho qua bàn tay khéo léo của nội. Nhà có vườn rộng, nội trồng hàng cau trước ngõ cùng những dây trầu nguồn tốt tươi quanh năm đủ để cung cấp cho nhu cầu hàng ngày. Khi buồng cau đủ độ già, nội thường sai tôi trèo hái. Đến mùa cau chín tới, ăn không kịp, nội bổ ra phơi khô để dành dùng dần cho những mùa sau. Những khi rảnh rỗi, nội lại dạy tôi cách têm trầu và ngâm nga những câu ca về tục mời trầu ngày xưa cho tôi nghe. Nhưng đến giờ, tôi chỉ thích và nhớ mấy câu hết sức tình cảm, chân phương của lớp người xưa: “Trầu này trầu tính trầu tình/Trầu loan, trầu phượng, trầu mình, trầu ta/Trầu này têm tối hôm qua/Giấu cha, giấu mẹ đem ra mời chàng”. Nội nói: “Têm trầu khéo là cả một nghệ thuật cháu ạ!”. Ngày xưa, con gái đi lấy chồng là phải biết têm trầu, bổ cau cho khéo. Người con trai chọn vợ chỉ cần nhìn vào miếng trầu têm của cô gái là có thể đoán được tính nết, sự giỏi giang của người phụ nữ tương lai mà mình gá nghĩa.
Ngày giỗ chạp thường có khách đông đúc, nội tôi trực tiếp ngồi tỉ mẩn têm những miếng trầu cánh phượng, cánh quế vừa cúng quảy tổ tiên, vừa để đãi khách, cũng còn là phô diễn bàn tay khéo léo của mình. Các cụ ông, cụ bà đến nhà được nội mời trầu đều xuýt xoa khen hết lời người têm trầu có bàn tay vàng khiến nội ấm lòng. Mỗi lần nhìn nội têm trầu, từ thao tác rọc lá trầu, gấp nếp lá, bôi vôi, rồi cài trầu một cách thành thục đạt đến kỹ năng cao; có thể vừa chuyện trò với khách vừa hoàn thiện miếng trầu một cách hoàn hảo, tôi đều hết sức khâm phục. Riêng cách bổ cau cũng phải cẩn trọng để sánh đôi cùng miếng trầu têm đẹp làm vừa mắt người ăn trầu. Quả cau được nội tôi chọn bao giờ cũng vừa già đúng độ tròn đẫy, dùng dao tước vỏ nhưng còn để lại những đường vân xanh mỏng bên ngoài; cắt núm nhưng không được gạt phăng đi đầu hạt cau bên trong. Rồi công đoạn bổ quả cau làm sáu hay làm tám? Thường thì với thiết diện quả cau vừa phải, người ta chỉ bổ ra làm sáu là đủ để ăn cùng miếng trầu cả về dung lượng và chất lượng. Nếu chỉ bổ ra làm bốn thì lớn quá, mà bổ ra làm làm tám thì mỏng manh không vừa vặn với miếng trầu têm, lại khó vừa lòng với mọi người…
Đi qua thế hệ của nội tôi, tục ăn trầu, mời trầu dường như đã phai nhạt dần. Đến thời mẹ tôi, trên mâm cúng quảy vẫn còn dâng đĩa trầu cau nhưng đã có ít người dùng đến. Khi nội tôi qua đời, mỗi lần quay lại vườn xưa nhìn hàng cau lúc lỉu quả chín vàng, những lá trầu khô héo rụng, lòng tôi nao nao với một nỗi buồn xa vắng… Có lẽ nào câu chuyện trầu cau lại trả về cổ tích?!
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.