Nhớ mùa ong vò vẽ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hàng năm, cứ vào tháng 6, tháng 7 Âm lịch là đến mùa bắt ong vò vẽ. Ong bắt về được chế biến các món dân dã như gỏi, nấu cháo... Nếu ai từng ăn thì nhớ cả đời.
Hồi trước, ở quê tôi có rất nhiều ong vò vẽ. Hàng ngày đi chăn bò, làm rẫy, nếu phát hiện tổ ong, anh em tôi chờ cho tổ lớn to bằng cái thúng, có nhiều nhộng sẽ tổ chức bắt ong đem về chế biến món ăn.
Kinh nghiệm bắt ong là đợi bóng đêm xuống và phải là đêm không trăng. Vì nếu có trăng thì tổ ong sẽ không còn nhiều con non. Không khí đi bắt ong thật hồi hợp, nín thở. Chờ đàn ong chui hết vào trong tổ là lúc an toàn để bắt. Người đi bắt ong thường dùng áo mưa, các dụng cụ trùm kín mặt, găng tay... để tránh bị ong đốt và mang theo một cây đuốc. Sau khi tìm một chỗ đứng cẩn thận để khỏi bị ngã thì đốt đuốc rọi, cố gắng đưa ngọn lửa vào đúng vị trí miệng tổ ong và giữ nguyên ở đó. Khi thấy có lửa, tất cả ong trưởng thành đều bay túa ra miệng tổ và bị ngọn lửa thiêu chết hoặc cháy cánh rớt ngay xuống đất. Có một kinh nghiệm mới hiện nay được nhiều người chia sẻ trên Youtube là dùng lá mì vò nát thành từng cục nhỏ nhét vừa vào miệng tổ ong để ong không thể bay ra. Sau một thời gian, ong sẽ bị say, chết ngất. Khi đó, người ta thoải mái lấy ong non, còn ong già hồi lâu mới tỉnh lại.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Việc chế biến món ăn từ ong vò vẽ cũng rất đơn giản và nhanh gọn. Lấy nhộng nhúng vào nước sôi cho săn lại, rút bỏ chất bẩn màu đen trong ruột rồi thả vào nước muối pha loãng, rửa sạch, để ráo nước. Ong thường được chế biến 2 món cơ bản là nấu cháo và gỏi trộn. Ong già thì ngâm rượu. Để làm món cháo ong, đầu tiên là bắc chảo dầu lên bếp, khử tỏi cho thơm. Khi thấy tỏi vàng thì trút hết ong non và trứng vào đảo cho chín vàng. Đem chảo ong này trút vào nồi cháo đang sôi, khuấy đều, nêm bột ngọt, nước mắm, tiêu và hành lá xắt nhỏ. Còn món gỏi ong thì chuẩn bị măng tre non đem bằm nhỏ, luộc với chút muối rồi trộn với mắm, muối. Nhộng sau khi đảo dầu cùng gia vị đem trộn với măng luộc sẵn cùng ít khế, chuối chát, ngò, đậu phộng. Món gỏi ong đậm đà không thể thiếu cơm dừa bào sợi.
Thưởng thức món ong vò vẽ thường phải kèm rượu Bàu Đá mới ngon. Đầu tiên nên dùng trước món gỏi ong. Lấy miếng bánh tráng nước dừa xúc một ít gỏi từ tốn nhai, âm thanh trong miệng kêu “bụp, bụp”, đó là lúc nhộng ong vò vẽ bể ra, chất béo, ngọt, bùi hòa quyện cùng vị chát của chuối, chua của khế, thơm của ngò, ngọt, béo của đậu phộng, dừa. Khi đó, nhấp một ly rượu Bàu Đá, “khà” một tiếng rất đã. Sau khi ăn món gỏi thì dùng kèm món cháo ong để “chữa cháy”. Húp một miếng cháo và nhai nhộng ong “lụp bụp”, béo ngậy sẽ làm cho vị rượu đế như được giải.
NHÂN KIỆT

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.