Cà phê ngoại ô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nếu không phải nhờ cái rẽ sai đường thì chắc tôi khó phát hiện ra quán cà phê ngoại ô được thiết kế bằng chất liệu gỗ thông đơn sơ, mộc mạc. Quán cà phê này tạo nên nét khu biệt so với nhiều quán khác bởi không gian mở vô cùng yên tĩnh và khung cảnh lãng mạn giữa lòng Phố núi. “Quán cà phê ngoại ô/Căn nhà gỗ bộ bàn ghế thấp nhỏ/Mảnh vườn tối với những pho tượng cổ/Bức sơn dầu đã cũ/Nắng chiều phố vắng ven sông” (Quán cà phê ngoại ô-Lưu Quang Vũ).
Có người tìm đến niềm vui trong công việc, người khác tĩnh lại trong không gian âm nhạc, ai đó thì hòa mình vào thiên nhiên rộng lớn… Một số ít trong đó có tôi vẫn thường tìm đến góc cà phê quen thuộc nơi ngoại ô với quyển sách trên tay vào những lúc cô đơn nhất. Niềm cô đơn ấy chưa hẳn là tiêu cực hay điều gì buồn bã, chỉ là đôi lúc, tôi nhận ra cần phải tĩnh lặng, thức tỉnh để lắng nghe được âm thanh bên trong của chính mình.
Quán nằm trên một triền đồi, bốn mùa thông xanh reo vui cùng nắng. Bình dị mà cuốn hút với quán nhỏ, địa hình dốc và những vật liệu thô mộc. Đường tới quán, đất bazan quạch đỏ, uốn mình như một vệt sương trong những ngày nắng đẹp, ẩn hiện như chút nắng dịu nhẹ lúc bình minh. Cấu trúc quán dựa vào địa hình, nương vào cây cối và gần gụi với thiên nhiên đã tạo nên một cảm giác rất thú vị cho khách thăm thú rồi thảnh thơi ngồi ngắm cảnh vật nơi đây.
Tôi có thể ngồi cùng quán cả buổi mà không hề thấy buồn chán. Ấy là giây phút tôi được sống với riêng mình, giống như khi tôi nghe nhạc vậy. Sẽ không có ai kiểm soát, nhắc nhở, giục giã hay hối thúc. Ý nghĩ của tôi tự do lang thang cùng những vui buồn bay lên trong sương mai khói sóng. Khách đến quán là những người biết tôn trọng sự riêng tư. Ai cũng lặng lẽ làm việc, lặng lẽ suy nghĩ và lặng lẽ nghe từng nhịp thở của nhau, để rồi khi đứng dậy, không quên một nụ cười chào tạm biệt.
Tôi đã thử ngồi rất lâu trong từng không gian khác nhau của quán, và lần nào cũng mang đến một cảm giác khác lạ. Có lúc thì tôi gói ghém trong hoài niệm của chính mình, trong miền xa lắc lãng quên; cũng có khi mở lòng bay lên cùng ràn rạt gió, dội lại từ thông thốc gió cùng mặt nước Biển Hồ lao xao ngày đêm sóng vỗ. Nhưng rõ nhất vẫn là cảm giác được thanh lọc tâm hồn, của ánh mắt thôi không còn man mác trong quay cuồng bụi bặm phố thị lao xao để chính tôi vẫn còn neo giữ tình thân cùng mảnh đất mình đang sinh sống, nơi thành phố của thời tuổi trẻ luôn ngân mãi trong tim.  
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Nơi đây có điều gì đó thật khó để mà quên nhanh được, đặc biệt với những người đã đến và biết tới; cũng như bao người Pleiku vẫn đang yêu Pleiku một cách nồng nhiệt, thiết tha. Quán có thức uống cà phê muối rất ngon. Nó có vị thơm, bùi ngậy của sữa tươi lên men, vị mằn mặn thanh thoát của muối. Sự nồng đậm đà của cà phê đen truyền thống đã được dịu vị, đằm lại nhờ muối và sữa. Thưởng thức cà phê muối là lắng mình trong bữa tiệc của vị giác, khi chừng ấy hương vị đọng lại trong ly cà phê thanh nhỏ.
Điều tuyệt vời nhất ở quán này có lẽ là góc nhìn rộng bao la với bát ngát thông xanh, tạo cảm giác như ta đang nhâm nhi một ly cà phê giữa muôn trùng cao xanh hùng vĩ. Thêm nữa, toàn bộ quán đều được trang trí rất chau chuốt, tỉ mỉ từ cách bố trí nhiều chai thủy tinh giăng mắc khắp hai bên hàng rào hay góc bếp đỏ lửa ấm nồng với chiếc ấm treo. Bên cạnh là chiếc bàn đậm chất vintage cổ điển với khăn bàn được dệt từ thổ cẩm, mọi thứ tạo nên sự mát mẻ, gần gũi và phù hợp với phong cách Nomad (du mục).
Những ray nắng lung linh trong rực rỡ ánh chiều tà buông hờ khắp nẻo. Và mọi cảm xúc vỡ òa khi hoàng hôn buông xuống, trước mắt tôi là vầng mặt trời đỏ ối đáp đậu ngay đỉnh núi phía xa. Lớp màu này chồng lên lớp màu kia cùng với ánh chiều tím thẫm vương trên những đám mây đã thôi màu đỏ rực, như một bức tranh nhiều biến hóa độc đáo cùng những gam màu gợi đến biết bao xúc cảm. Nhiều người tìm đến quán cà phê ngoại ô này có lẽ là để thêm một lần được đắm mình giữa cảnh sắc thiên nhiên đẹp đẽ, yên bình.
Quán cà phê ở ngoại ô cứ thế thầm lặng và dịu dàng, dần dà trở thành một phần nỗi nhớ trong mỗi ngày tôi sống. Đến độ nhiều khi tưởng như hương cà phê là thứ hương thơm quyến rũ bậc nhất có thể đánh thức tôi trong mơ và chỗ ngồi thân quen ấy là chốn duy nhất tôi luôn nhớ về. Ừ nhỉ, người ta có thể nhớ những hình ảnh nào đó của giấc mơ, nhưng mấy ai nhớ mùi vị, không gian của giấc mơ bao giờ?
NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

(GLO)- "Tự khúc" của tác giả Hà Hoài Phương là những chiêm nghiệm rất thực về cuộc đời. Sau cơn mưa trời lại sáng, không có điều gì tồn tại mãi, dù đó có là những niềm vui, hạnh phúc hay khổ đau...
Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...