Ngang qua nỗi nhớ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã nghe tiếng ve ngân rời rạc. Đã đón những cơn nắng sánh màu hổ phách vào giữa trưa, đầu chiều. Đã cảm nhận được cơn mưa đầu mùa nơi không xa nào đó qua luồng gió mang hơi nước buổi sớm mai, chiều chưa tắt nắng. Chớm hạ. Thông điệp của tự nhiên đưa tôi ngang qua vệt nhớ, chắp nối không gian, cảnh vật của những sớm đến trường. Cảm xúc của thời cuối tuổi học trò cứ day dứt, tiếc nuối.
Tôi nhớ con đường đất ngang qua những ngôi nhà mái ngói nâu thâm, thấp thoáng ẩn mình trong vườn cây, khóm tre trúc đã thức dậy, có lẽ từ rất sớm với tiếng người rộn ràng; tiếng gia súc, gia cầm giục bữa, đòi ra khỏi chuồng. Lúa đang kỳ ngậm sữa, nặng gié, ngả dần sang màu vàng. Dòng sông đã vơi dòng, trong veo. Chiếc cầu tre bắc ngang qua bến Trường Thi thay cho con đò ngang nhẫn nại và nhọc nhằn nối đôi bờ bồi lở, rộn bước chân người qua lại, có bước chân lũ chúng tôi lướt qua nắng ban mai thanh sạch đến trường.
Trong cái dáng vẻ vội vã ấy, chừng như có bước chân ai đó ngập ngừng, đợi nhau trên quãng đường ngang qua bờ soi đậu lạc chỉ là lối mòn hẹp ngoằn ngoèo rắn lượn, qua con dốc ngược có đường tàu hỏa cắt ngang và cái xóm Kẹo lúc nào cũng sực nức mùi đường mật thắng chín dài thêm dù thời gian trống điểm vào lớp rất gần. Cũng chỉ những câu hỏi vu vơ; ánh mắt như trao như hẹn cùng nụ cười hàm tiếu lấp ló sau vành nón lá che nghiêng, ẩn hiện qua mái tóc nhánh đen mượt dài buông xõa mà lòng vui, rạo rực!
Tiết học những môn không thi tốt nghiệp, cả lớp ít tập trung, thầy cô thông cảm bỏ qua. Chúng tôi chuyền tay nhau những cuốn sổ bìa cứng ghi dòng lưu bút. Cảm xúc ngập tràn con chữ. Lời chân tình, lời có cánh cóp nhặt đâu đấy, cứ thế trao nhau… Tấm ảnh đen trắng cá nhân, tập thể đủ mọi kích cỡ trân trọng trao nhau, đính kèm dòng trạng thái, tất cả đều trở nên lung linh, trân quý và xúc động!
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Qua ô khung cửa sổ từ tầng 2, tầng cao nhất của ngôi trường có tuổi đời hơn 30 năm, lũ học sinh cuối cấp lơ đãng, bần thần nhìn hàng me im lìm lọc nắng sân trường. Chúng có phần ưu tư hơn thường ngày, gợi thoáng buồn thả trôi những cánh lá mỏng, úa màu. Tiếng chim chuyền cành nghe chừng bớt phần trong trẻo hay chính lòng tôi đang chuyển động một cảm xúc khó gọi thành tên.
Sau này, những lần hội trường, vẫn chỗ ngồi, gian lớp cũ, thưa vắng nhiều bạn. Chúng tôi chỉ trêu đùa, mong sớm kết thúc còn ra quán nhậu. Thì ra, trong không gian cũ, người cũ chẳng gợi nhiều cảm xúc hay dòng cảm xúc ấy được nén lại hoặc đã bị thời gian ăn mòn. Tôi tự trấn an rằng có những khoảng không gian, thời gian, có những người ngang qua đời như một sự ký thác về tinh thần, để lại vệt nhớ trong ký ức người này, lại tuột trôi trong tâm hồn người khác.
Thôi thì không điều gì còn mãi, hoa lá rồi tàn nên chuyện nhớ hay quên, cung bậc cảm xúc khác nhau âu cũng là lẽ thường tình! Và, trong quãng thời gian hữu hạn của đời người, trôi theo con nước của tháng năm lúc êm ái, khi cuồn cuộn đẩy xô, còn điều gì đọng lại, khắc sâu, thấm thía, hẳn chỉ có kỷ niệm, cố mà níu giữ! Tựa như những dòng chữ trên trang lưu bút đã ố vàng nhòa nhoẹt; tựa như gương mặt bạn bè trong tấm hình ngày trước, đôi lúc phải cố nhớ mới nhận ra nhau.
Mà có hề chi, trong lòng tôi và nhiều bạn nữa, còn đó tuổi hoa niên ướp đầy mộng tưởng xen lẫn nhiều lo toan, bởi sống trong quãng thời gian đất nước nhiều gian khó, tiếng súng nơi nước bạn Campuchia còn ầm vang, xếp bút nghiên, lớp trai trẻ háo hức vác ba lô lên đường... 
Hay, tựa như chiếc cầu tre bắc ngang qua bến Trường Thi mùa nước cạn, như chiếc đò ngang nối đôi bờ mùa nước lớn, như con đường đất gập ghềnh, như… đã lùi vào quá quãng. Nhưng, mỗi lần về lại bến sông trên chiếc cầu xây kiên cố, đi dọc con đường mới trải nhựa phẳng phiu, có những ngôi nhà tầng kiên cố, trong tôi vẫn không phai mờ kỷ niệm về những ngày đến lớp.
Mỗi dịp về quê, đưa các con ngang qua khung trời cũ, dừng chân tựa thành cầu kể cho chúng nghe không biết bao nhiêu lần câu chuyện về bạn bè chung lứa, về đất, về người có đủ niềm vui, nỗi buồn. Từ đó, dạy con, gợi nhắc cả bản thân mình thêm thương yêu mảnh đất quê hương.
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...