Hồn của gánh chợ quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bây giờ đi chợ Hà Nội không thấy quang gánh nữa, thay vào đó là quà quê bán trên sạp, trên xe máy xe đạp. Quang gánh xưa trốn đi đâu rồi. Tôi hay tìm về chợ quê, nơi hẻo lánh để thấy quang gánh, đôi quang tre và chiếc đòn gánh tre, mảnh hồn quê của chợ phiên xưa, không còn.

 


Rất nhiều năm trước, bác trưởng Ấm nhà tôi thường giao hẹn khi giỗ bà nội trong tiết thanh minh, lại tụ họp. “Nhà mình đi chợ Đuổi cho gần, cùng lắm xuống chợ Mơ, sao cô Ba phải ngược lên chợ Bưởi mua sắm làm gì, cho xa?”, bác Ấm hỏi. Mẹ tôi đáp: “Em cho cháu nó đi chơi chợ, mới lại chợ Bưởi nhiều thứ gánh gồng cho cháu nó biết chợ phiên”. Nào rau dưa bánh trái, toàn những thứ lá thơm. Đó là cách đi chợ từ hôm trước để góp giỗ bà nội, mẹ tôi hay cho con đi chơi chợ. Giá vé tàu điện hồi đó chỉ có mấy xu được nghe leng keng lên chợ Đồng Xuân, qua bốt Hàng Đậu, rồi qua đền Quán Thánh, cuối cùng cũng lên tới chợ Bưởi. Chợ phiên thì thôi rồi, nón mũ nhấp nhô, quang quang gánh gánh nườm nượp người, toàn nón lá, quần đen áo vải.

Tháng ba hoa mộc nở, thứ hoa hồng ta đầy gai cũng nở, tôi đã có buổi chợ chất đầy mùi hoa. Rồi được mẹ cho ăn quà bánh cuốn chả lụa trên đôi quang bà Tư gù. Lưng bà Tư còng xuống nhưng bánh bà tráng mỏng và ngon vô cùng. Nước mắm chợ đâu có được ngon như ở nhà, nhưng bà  Tư pha thêm vị cà cuống và ớt tươi, một nhúm rau kinh giới, có vị của quà chợ quê. Có lần đi tàu điện về, xuống bờ hồ, mẹ cho tôi ăn phở gánh, không ngờ những ám ảnh đôi quang gánh, hồn của đôi quang tre nhập vào người tôi. Nay đi chợ Hà Nội muốn tìm, đâu còn thấy quang gánh nữa.

Chiếc đòn gánh, có lẽ chỉ còn có bán ở chợ Viềng - phiên chợ cầu may mà thôi. Từ những gánh hàng rau, hàng hoa quả, những lồng tre chứa những ngan ngỗng, gà giống, gánh rổ rá, thúng mủng… nhiều thứ  nó cứ ẩn vào tim, không sao xóa nhòa được hồn của đôi quang gánh trên vai xiêu vẹo đời người của thế kỷ trước.

Tháng ba mưa phùn, trời nồm nên chỉ mong có nắng. Nào ai mua được nắng tháng ba ở Hà Nội? Nắng cũng làm cho gương mặt chợ quê, nhất là những hàng quán, thơm mùi gia vị. Những chiếc đòn gánh cong, một bên quang gánh là vò bún ốc nguội, chiếc muôi gỗ rót nước ốc có vị giấm bỗng chua dịu và cay sè của ớt khô giã chưng với mỡ gà. Những lá bún đếm trăm, lá bún nhỏ bằng con hến chan nước ốc nguội, chỉ nhìn đã chụm môi cho đỡ nuốt nước miếng… Chiếc đòn gánh cong, vắt vẻo một lọn rơm xanh buộc ở đầu đòn gánh, người bán cốm non mang cả mùa cốm, mang cả hơi lúa vào phố.

Bây giờ chợ Hà Nội thiếu vắng đôi quang gánh, chợ Mơ chợ Bưởi, đã là những nhà kính cao tầng sáng choang. Cái quầy bán lá xông, thang thuốc nam của người làng Đại Yên cũng nằm trên bệ xi măng. Xi măng và đá ốp lát, đã đánh thó hơi hướm của vị lá, đánh thó vẻ tự nhiên của thiên nhiên trong hồn chợ. Rồi thúng mủng giần sàng, tre nứa cũng ít đi. Thứ nữa, đến măng nứa, miến dong, bánh chưng cũng hút chân không. Nếu cứ đi chợ siêu thị với giá niêm yết, kính đèn sáng choang, nhiều lúc mẹ già cả cứ ngây ra nhìn… nhìn mọi thứ trong chợ thời hiện đại đã đổi thay chóng mặt. Nhìn người ta quẹt thẻ trả tiền, không mặc cả và không nói thách.

Tôi đi chợ, hồn của chợ phiên Hà Nội và chợ quê xưa vẫn còn một thứ để hôm nay ngoảnh lại, thấy bóng dáng chiếc đòn gánh cong, đôi quang tre xiêu vẹo trên bờ vai mẹ, vai chị, của Hà Nội cũ quê mùa.

 

Theo HOÀNG VIỆT HẰNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Phú: Tấm áo Điện Biên

Thơ Nguyễn Ngọc Phú: Tấm áo Điện Biên

(GLO)- Tấm áo trấn thủ đã trở thành biểu tượng gắn liền với người chiến sĩ Điện Biên trong suốt 56 ngày, đêm "đánh lấn từng thước đất". Ngắm nhìn tấm áo ấy được trưng bày trong bảo tàng, tác giả Nguyễn Ngọc Phú bồi hồi, tưởng như được sống lại phút giây chiến đấu hào hùng của cha anh.
Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

(GLO)- "Tự khúc" của tác giả Hà Hoài Phương là những chiêm nghiệm rất thực về cuộc đời. Sau cơn mưa trời lại sáng, không có điều gì tồn tại mãi, dù đó có là những niềm vui, hạnh phúc hay khổ đau...
Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...