Những mảnh ghép Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi rất thích ngắm nhìn cảnh vật từ trên cao. Ở trên cao nhìn xuống, mọi thứ được thu vào tầm mắt, những hình khối hiển hiện rõ ràng. Bao nhiêu lần từ ô cửa sổ máy bay nhìn xuống, bao nhiêu lần từ trên đỉnh một ngọn núi trông ra xa là bấy nhiêu lần tôi mường tượng cảnh vật như những bức tranh được tạo ra từ nhiều mảnh ghép khác nhau, để vừa vặn làm thành một tác phẩm hoàn chỉnh.

  Đô thị Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyên
Đô thị Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyên

Đó là những mảnh ghép có thể nhìn bằng mắt thường. Nhưng có những mảnh ghép được ráp lại với nhau không thể nhìn thấy theo cách thông thường, mà chỉ có thể cảm nhận bằng những giác quan khác nhau. Tôi đã cảm nhận về nơi mình sinh sống theo chiều dài của thời gian, bằng những giác quan khác nhau như vậy. Khi thời gian trôi trên tuổi mình, mỗi một trải nghiệm lại mang đến cho tôi những góc nhìn khác nhau về một thành phố nhỏ bé nhưng để lại quá nhiều tình cảm trong lòng người.

Phố xá muôn đời là phố xá với nhà cửa san sát và tấp nập người xe. Có những buổi tan tầm, tôi cũng như bao người trên phố kẹt lại trong đám đông với những âm thanh hỗn độn. Tôi đã từng kẹt cứng giữa người xe ở một đường phố Hà Nội, Sài Gòn giữa cái nắng như thiêu như đốt. Mồ hôi vã ra như tắm, khói bụi và còi xe như nuốt chửng lấy con người. Nhích từng chút để tiến lên phía trước, tôi như bị trôi theo dòng người xe một cách vô thức.

Tôi hình dung ra rằng, nếu mình cứ đứng ỳ ra đấy thì đám đông cũng sẽ tự đẩy mình trôi đi. Nhưng phố tôi không thế. Trong một khoảng không gian vừa vặn với một tỉnh lỵ miền núi cao nguyên đang phát triển, thành phố có những thời điểm cũng bị dồn ứ người xe vào giờ cao điểm. Nhưng không có cảm giác phải nhích đi từng bước. Chỉ chốc lát phố xá lại trở về vẻ thênh thang vốn có.

Pleiku mặc định trong lòng người bằng sự nhỏ bé “đi dăm phút đã về chốn cũ”. Thế nhưng đã một phần tư thế kỷ, tôi vẫn chưa đặt chân dạo hết một vòng Pleiku theo đúng nghĩa về mặt địa giới hành chính. Có chăng chỉ là mấy trục đường lớn, vài địa chỉ quen gắn với những công việc thường ngày.

Nhắc đến Pleiku, người ta nhớ nhiều đến một thị xã cao nguyên phơi mình trong bụi đỏ chiến chinh, với những đoàn xe xuôi ngược lại qua và những dãy nhà lợp fibro xi măng náu mình dưới thông xanh có phần hiu hắt. Rất nhiều người giữ mãi trong ký ức mình những hình ảnh ấy và sau rất nhiều năm gắn mình với ồn ào phố thị một nơi nào đó, người ta quay trở lại Pleiku với mong ước tìm lại được những điều xưa cũ.

Ký ức về Pleiku giờ chỉ còn phảng phất nhạt nhòa ở một vài nơi, có những nơi đã trở thành phế tích. Có chăng, những ký ức cũ xưa ấy được in rất sâu đậm trong tình cảm của những người đã từng gắn bó với Pleiku và thiết tha yêu mến miền đất yên bình này.

Pleiku hôm nay đang hòa vào nhịp thở của thời cuộc, tươi mới và trẻ trung như đúng độ tuổi của mình. Một ngày thử gác lại những lo toan, tạm xa phố xá với những việc có tên và không tên bề bộn, vòng vèo một chút với Phố núi, trên những cung đường ngoại đô thênh thang, sự sống ngồn ngộn hiện ra trên vẻ xanh tươi trù phú của cà phê, hồ tiêu và bạt ngàn những cây trái khác. Đất lành chim đậu, không chỉ cư dân bản địa, mà người từ nơi khác cũng tìm đến ngày một đông, họ ở lại và góp phần tạo dựng một Pleiku như hôm nay.

Riêng trong tôi, mỗi một bước thời gian đi qua, một mảnh ghép nào đó về Pleiku lại được đặt vào đúng vị trí của bức tranh toàn cảnh để dần hoàn thiện những cảm nhận đẹp đẽ nhất của mình. Những mảnh ghép về địa lý, lịch sử, văn hóa, con người, khí hậu, đất đai thổ nhưỡng, cảnh vật thiên nhiên… luôn hiển hiện mồn một trong từng không gian mà tôi đang sống.

Những mảnh ghép dẫu là từ cũ xưa hoang phế hay đến hiện tại sinh sôi, dẫu là nhìn thấy bằng mắt thường hay chỉ có thể cảm nhận bằng một giác quan nào đó, tất cả với tôi, đều là những mảnh ghép hoàn hảo làm nên một Pleiku để lại rất nhiều cảm tình trong lòng người.

 ĐÀO AN DUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...