Hương quỳnh mùa thu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những tia nắng cuối ngày sà trên đỉnh núi vừa được phủ một làn sương trắng mờ, buông những vệt vàng xuống chân núi xanh lam xa xa. Tôi tha thẩn ra ngồi ở khoảnh vườn nhỏ, nhìn ngắm những bóng chim đang sải cánh trở về, những bông hoa khép cánh cúi đầu về phía hoàng hôn. Đếm từng nụ quỳnh cuối hạ đầu thu mà mong chờ thời khắc đêm nay quỳnh nở.
Gốc quỳnh được ươm từ một phiến lá nhỏ đã gắn bó với tôi hơn mười năm rồi. Cũng đã chừng ấy mùa hoa nở. Mỗi năm đi qua, tán quỳnh càng rộng hơn và số lượng hoa nhiều hơn. Hoa chia ra nhiều lần nở, mỗi lần từ 10 đến hơn 20 bông. Năm nay đến 4 lần, cứ lớp này tàn thì lớp nụ tiếp theo lại nhú lên như búp măng nhỏ xíu màu xanh nhạt, khi lớn dần lên chúng chuyển sang màu nâu hồng, căng bóng, có những chiếc tua mọc bên ngoài. Đến khi đạt độ lớn vừa đủ, phần cuống hoa cong lại giúp búp hướng lên để phân biệt rõ hoa và cuống hoa.
Mùa khô, những chiếc lá quỳnh xanh mát pha chút sắc vàng. Bao nhiêu nguồn nước quỳnh dụm dành nay mang ra nuôi thân qua mùa khô hạn. Mùa mưa, khi đủ nước quỳnh xanh mát, vươn những phiến lá mới mơn mởn dày dặn. Tôi cứ để quỳnh tự nhiên mà phát triển. Ấy vậy mà quỳnh cứ bền bỉ bên tôi lâu đến vậy. Lượng hoa tăng dần theo số tuổi của cây. Tôi hớn hở, săm soi từng phiến lá, đoán chừng kẽ lá này có nụ hay sẽ nảy thêm phiến lá mới.
Chờ đợi cả năm, quỳnh mới nở một lần. Sự chờ đợi ấy luôn mang cảm giác hồi hộp nhưng đầy thi vị. Khoảng 21 giờ, những cánh hoa ngoài cùng bung ra, lần lượt các cánh trắng nõn, mỏng như lụa, nhụy hoa điểm xuyết màu vàng ngọt ngào rung rinh trong làn gió đêm nhẹ mát. Tôi nhìn rõ chuyển động rất khẽ của từng cánh hoa mở ra để dần đạt đến kích thước tối đa, rồi các cánh hoa dần cụp lại và tàn. Hương thơm được gói kín trong từng lớp lụa trắng được dần mở ra nhè nhẹ loang vào màn đêm, ngào ngạt nhưng không quá nồng, tinh khiết, thanh tao, vấn vít mãi không tan. Dường như quỳnh chắt chiu cả 4 mùa, cả nắng mưa để tạo ra một làn hương riêng biệt.
Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: Huyền Trang
Không phải ngẫu nhiên quỳnh được mệnh danh là “nữ hoàng của bóng đêm”. Những đêm trăng sáng, tôi tự pha cho mình một chén trà lặng lẽ chờ mong được “đối ẩm” với quỳnh. Hương trà, hương quỳnh quyện vào nhau nồng nàn quyến rũ. Ánh trăng loang loáng ngừng lại trên từng cánh mỏng tĩnh lặng. Lúc này mọi cử động nhỏ cũng thành thừa thãi, gượng gạo.
Những đêm không trăng, trong màn đêm tĩnh mịch, hoa quỳnh trắng tựa như chiếc lồng đèn sáng lung linh và thơm dịu dàng. Đó là duyên đất trời để tôn quý quỳnh, để con người nhận ra lẽ sống cho riêng mình. Khiêm nhường, lặng lẽ dâng cho đời những gì đẹp nhất. Hoa chỉ nở một lần rồi tàn như tình yêu đầu tiên, duy nhất dâng hiến cho người tình trăm năm. Hoa còn mang ý nghĩa hy vọng, đợi chờ. Sự chờ đợi được đền đáp xứng đáng cho người luôn biết kiên nhẫn.
Đêm thu tĩnh lặng, tôi và quỳnh. Làn hương mỏng như sợi tơ chứa đầy hương thơm tinh khiết mơn man. Tiếng dế du dương khe khẽ cất lên như bản tình ca đêm vỗ về tôi, xóa nhòa những ưu phiền. Và tôi là kẻ may mắn đang được thưởng lãm không gian êm đềm đầy sắc, hương, bỏ mặc mọi ồn ào của cả ngày dài đã qua.
TRẦN HỒNG VÂN

Có thể bạn quan tâm

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.