Chill với cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối tuần, mấy người bạn vừa già vừa trẻ đến thăm nhà, toàn dân uống cà phê có thâm niên vài chục năm. Ông cao tuổi nhất biết mùi “chất đắng” từ năm 16 tuổi, đến giờ vừa đủ nửa thế kỷ với 2 cữ mỗi ngày. Tôi đem ngay nửa ký cà phê bột của một thương hiệu chuyên doanh cà phê vừa ra đời ở Gia Lai ra để cùng nếm thử, sẵn thăm dò ý kiến mấy tín đồ caffeine này về chất lượng toàn diện.
4 cái phin nhôm, đường, sữa, coffeemate (bột kem pha cà phê) và 1 ấm siêu tốc bảo đảm cho nước sôi ở 100OC được bày ra để mỗi người tự pha theo gu riêng. Cà phê bột vừa đủ, nén vừa phải, chiêu mồi một ít nước sôi chờ ngấm mới thêm cho đầy phin. Tất cả đều từng giọt, từng giọt màu nâu sẫm thả xuống đáy ly trông rất thú vị, nhưng nhịp nhanh chậm của từng giọt rơi rõ ràng cho thấy cách pha của các vị khác nhau, chí ít ở lực nén lên lớp bột cà phê đáy phin.
Đến lúc gia giảm mới thấy hết cái đa dạng về khẩu vị của từng người. Ông lớn tuổi nhất dõng dạc: Uống cà phê mà thêm đường, sữa hoặc bất cứ thứ gì khác thì chưa phải sành điệu! Nghe thế, nhưng mấy vị kia vẫn thêm thắt theo cách của mình. Một ly được thêm chút coffeemate và đường, một ly chỉ đường, một ly không đường nhưng thêm sữa. 4 ly cà phê, 4 kiểu khác nhau về “gia vị”.
Người bạn nhỏ tuổi nhất mời: “Chill thôi!”. Ừ thì chill. Dạo này, người ta dùng từ này khá nhiều, trong mọi lĩnh vực. Hiểu một cách mở như xu hướng hiện hành thì “chill” có nghĩa thư giãn, dễ chịu, sảng khoái. Với những người luôn muốn tự tay pha cho mình một ly cà phê đúng gu, chill bắt đầu từ lúc chuẩn bị đồ nghề (phin, ly, muỗng) kìa chứ đâu phải chờ đến khi nhấp một ngụm nhỏ đầu tiên.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Sự sảng khoái và minh mẫn đem lại từ caffeine là không cần bàn cãi hay phủ nhận. Tình trạng rối trí hay căng thẳng ở một thời điểm nào đó được giải quyết bằng ly cà phê là có thật. Bình thường, việc dung nạp chất đắng này vào bất kỳ lúc nào trong ngày luôn cho người dùng cảm giác thư giãn, có người còn thấy sự dễ chịu này tăng lên nhiều lần nhờ khung cảnh thân quen, âm nhạc đúng gu hoặc có bạn cà phê phù hợp. Lại có người chỉ cảm nhận cái ép phê ấy khi cà phê một mình.
Trong tất cả mọi trường hợp, đó đều là chill. Tất nhiên, không chỉ cà phê mà bất kỳ mọi thứ làm cho người ta chill sẽ thú vị hơn nếu sử dụng trong một chừng mực có thể. Bình thường 2 ly cà phê mỗi ngày là đủ, các nhà dinh dưỡng học và chuyên gia y khoa đều khuyên như thế.
Chill với cà phê mang trong nó một chút triết lý mà cũng là một đời sống rất thực, nó không “quẩy” theo cái cách sôi nổi của đa phần giới trẻ bây giờ mà êm đềm, nhẹ nhàng, rất riêng. Thậm chí chill với cà phê thường làm người ta bật ra những ý tưởng đang tìm, một cảm hứng sáng tạo còn đang nằm im đâu đó.
Là một người gắn liền với công việc đòi hỏi cảm hứng, sáng tạo..., tôi chứng thực hiệu quả mà chill với cà phê mang lại, đôi khi rất bất ngờ. Thảng hoặc, nhu cầu cá nhân bỗng đòi phải chill có nghĩa rằng bạn đang nghĩ đến ly cà phê đấy.
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Phú: Tấm áo Điện Biên

Thơ Nguyễn Ngọc Phú: Tấm áo Điện Biên

(GLO)- Tấm áo trấn thủ đã trở thành biểu tượng gắn liền với người chiến sĩ Điện Biên trong suốt 56 ngày, đêm "đánh lấn từng thước đất". Ngắm nhìn tấm áo ấy được trưng bày trong bảo tàng, tác giả Nguyễn Ngọc Phú bồi hồi, tưởng như được sống lại phút giây chiến đấu hào hùng của cha anh.
Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

(GLO)- "Tự khúc" của tác giả Hà Hoài Phương là những chiêm nghiệm rất thực về cuộc đời. Sau cơn mưa trời lại sáng, không có điều gì tồn tại mãi, dù đó có là những niềm vui, hạnh phúc hay khổ đau...
Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...