Những mùa ký ức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có lẽ, tôi sẽ không bao giờ có đủ ngôn từ để nói cho tường tận vẻ đẹp của Pleiku và những gì tôi cảm nhận được về thành phố này. Cho đến tận bây giờ, Pleiku vẫn là miền đất đẹp nhất mà tôi từng biết, nơi tôi may mắn được sinh ra và lớn lên. Tôi yêu Pleiku. Mà tình yêu thường đi kèm với nỗi nhớ.
Tôi đã từng ngồi ở những nơi rất đẹp của Pleiku. Mỗi chỗ ngồi đều đặc biệt theo một cách riêng. Đó là chiếc ghế đá công viên giữa lòng phố dìu ánh nắng cuối ngày vào hoàng hôn; là một góc nhỏ mà ấm cúng trong tiệm cà phê thưa vắng, ở nơi đó hình như ai cũng đang chờ một người nhưng cố không thể hiện điều đó ra ngoài. Đó còn là một thảm cỏ ven hồ ở phía ngoại thành bấy nhiêu năm chưa từng đổi sắc, tôi đã ngồi ở đó để ngắm mây ngàn bay giữa cao nguyên và nghĩ về tóc mẹ.
Phải mượn những lời yêu thương nào để chừng ấy cảm xúc thiêng liêng dành cho Pleiku được tuôn chảy từ tâm khảm ra ngoài trang giấy? Những ngày này, đâu đó trong thành phố đang lắng dịu với những khoảng trời có bằng lăng tím, những cơn mưa phố thị “xoáy rát vào kỷ niệm”. Phố núi luôn khiến cho người ta dễ khóc, dễ cười như thế. Bỗng nhớ có những chiều, tôi lang thang qua từng con phố nhỏ, khựng lại ở một góc đường thân thuộc, nhìn cộ xe và bỗng nhớ một câu chuyện nào đó da diết. Có chút man mác nhưng tôi chưa bao giờ “đổ lỗi” cho Pleiku.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Đây chính là nơi tôi đã thức cùng hoài niệm và sống trọn cho mỗi giây phút hiện sinh. Cũng tại nơi này, tôi như chiếc đồng hồ quả lắc cứ đi-về giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa xao động và trầm tư... khi chứng kiến quanh mình có bao điều rộn vui, còn bao điều khốn khó. Có người từng hỏi tôi rằng: “Giữa em và Pleiku có gì mà mặn nồng đến thế?”. Tôi mỉm cười chưa đáp vội. Vì nếu có chút gì để nhớ thì phải chăng là những mùa ký ức. Mà chuyện ấy thì sao tôi có thể nói bằng lời.
Bao năm rồi, nơi tôi sống có người già khuất núi, có người trẻ lớn lên như măng nứt ra từ kẽ đá. Nói như ai đó, cuộc đời dẫu thăng trầm thì cái đẹp muôn đời vẫn hiện hữu rất gần ta. Tôi yêu Pleiku và mỗi ngày lại muốn hiểu về thành phố này thêm một chút, như cách mà tôi đã yêu một con người. Tôi tự nhận mình là người phố thị, một phố thị thân thương, trìu mến, một phố thị nồng nàn gió đại ngàn, một phố thị phảng phất hương hoa của núi…
Còn rất nhiều điều tôi chưa biết về Pleiku. Nhưng nếu có ai hỏi rằng Pleiku có phải “thiên đường” thì tôi sẽ gật đầu. Tôi tin rằng những người từng gắn bó với Pleiku sẽ không phiền lòng bởi họ hiểu rằng: Quê hương chính là thiên đường trong miền nhớ. Mấy mươi mùa hoa nở là bấy nhiêu mùa ký ức đẹp tôi có với Pleiku. Mà những ký ức đẹp theo một lẽ nào đó thường ở lâu với con người. Cả trong những ngày nơi này yên ắng nhất, tôi thấy tim mình vẫn rung lên khe khẽ.
Những ngày của tháng 5 đang dần trôi qua. Tôi sẽ ngồi ở nơi đâu giữa thành phố này để ru mình qua những mùa ký ức?
LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

(GLO)- "Tự khúc" của tác giả Hà Hoài Phương là những chiêm nghiệm rất thực về cuộc đời. Sau cơn mưa trời lại sáng, không có điều gì tồn tại mãi, dù đó có là những niềm vui, hạnh phúc hay khổ đau...
Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...